Theo Cục thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 10 giảm 0,08% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có 3 nhóm hàng có chỉ số giá tăng: thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; văn hóa, giải trí và du lịch. Có 5 nhóm hàng giảm giá là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm; thuốc và dịch vụ y tế; hàng hóa và dịch vụ khác. Các nhóm đồ uống, thuốc lá; bưu chính viễn thông và giáo dục không có biến động.
Theo phân tích, các nguyên nhân tác động đến chỉ số CPI tháng 10 là giá thịt lợn hơi và lợn thành phẩm đã dần "hạ nhiệt” do đẩy mạnh tái đàn và nhập khẩu, thời tiết dần chuyển lạnh nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt hạn chế hơn.
Việc CPI giảm trong tháng 10 là tín hiệu tích cực trong việc bình ổn giá cả thị trường, tạo đà điều hành giá cả giai đoạn cuối năm và tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo chỉ số CPI cuối năm dự kiến sẽ tăng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; cùng đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm sẽ tăng.
Do đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành công thương và những đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
Đồng thời, định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động phát triển sản xuất và có kế hoạch dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán; chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của Nhà nước để người dân, doanh nghiệp nắm được.
Văn Thông