Yên Bái không có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhưng bằng hướng đi, cách làm cụ thể, tỉnh đã thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư gắn với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hấp dẫn...
Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Yên Bái đã thu hút 197 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng và gần 100 triệu USD.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai 78 dự án ODA và NGO, tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI toàn tỉnh lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước đến đầu tư vào Yên Bái như Vingroup, TH, SunGroup, Eurowindow, Hoa Sen, APEC… Cùng đó, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tăng nhanh, hoạt động khá hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có trên 2.500 doanh nghiệp (gấp gần 2 lần so với năm 2015), gần 500 hợp tác xã, 4.100 tổ hợp tác, gần 22.000 hộ kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp ngày một tăng, năm 2020 ước đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015. Các doanh nghiệp đã thu hút gần 40.000 lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh.
Để cụ thể hóa, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, từ năm 2020 - 2025 đào tạo cho trên 1.000 cán bộ, công chức thuộc các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các đơn vị và doanh nghiệp; đào tạo cấp giấy chứng nhận cho 10 chuyên gia, cán bộ tư vấn đánh giá về năng suất và chất lượng hình thành mạng lưới chuyên gia nòng cốt hoạt động chuyên sâu, chuyên nghiệp từ tỉnh đến cơ sở; 50% số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng; từ 5-10% số doanh nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng như HTQLCL ISO 9001; HTQL môi trường ISO 14001; HTQL an toàn thực phẩm ISO 22000.
Giai đoạn 2026 - 2030, đào tạo chứng nhận cho 20 chuyên gia, 100% số doanh nghiệp được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng; hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng tăng ít nhất 5% so với giai đoạn 2021 - 2025.
Yêu cầu của kế hoạch là phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là tổ chức đào tạo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về năng suất; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chứng nhận sản phẩm; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Về tổ chức thực hiện, Sở Khoa học - Công nghệ là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động năng suất, chất lượng, chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung kế hoạch. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông giao các phòng ban, cơ quan trực thuộc làm đầu mối phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các sở chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham mưu UBND tỉnh nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thuộc sự quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Các sở liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tham gia chương trình, gắn kết các hoạt động kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương…
Ngọc Trúc