Nhờ thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm nên bà con nông dân đã phun thuốc phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Chị Bùi Diệu Hằng - viên chức Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái phụ trách xã Văn Phú cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, thông tin cho nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen để chủ động có biện pháp phòng trừ hiệu quả theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tiếp tục chăm sóc, bón phân cho cây lúa”.
Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, có nắng, mưa xen kẽ. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho rầy lưng trắng là môi giới lây truyền bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên cây lúa vụ đông xuân.
Bệnh lùn sọc đen có khả năng phát sinh gây hại trên những chân ruộng đã gây hại từ các vụ trước. Bệnh đạo ôn có khả năng phát sinh cao, nhất là các ổ nhiễm hàng năm, các chân ruộng bón thừa đạm, các giống mẫn cảm như nếp, BC15, Séng cù, Bắc thơm số 7, Chiêm hương… và các trà lúa cấy sớm. Nếu không phòng trừ kịp thời thì bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Chủ động phòng chống kịp thời, có hiệu quả đối với bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái đã có công văn đề nghị trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn liên quan thực hiện tốt các nội dung cụ thể.
Trước hết, các đơn vị, cơ quan chỉ đạo cán bộ chuyên môn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo diễn biến dịch hại trên cây lúa là: tăng cường điều tra, theo dõi, nắm bắt tình hình phát sinh gây hại của rầy lưng trắng và lấy mẫu gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để giám định khi có nghi ngờ triệu chứng bệnh; nắm chắc diễn biến của bệnh đạo ôn, ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời, không để bệnh lây lan ra diện rộng.
Các trung tâm cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, phường, thị trấn tổ chức mở lớp tập huấn, tuyên truyền; hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra tình hình gây hại của bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn và dịch hại khác trên lúa như: ruồi đục nõn, bọ trĩ, bọ xít đen, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh vàng lá, chuột… để phát hiện kịp thời cũng như áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp.
Theo bà Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: "Các đơn vị thường xuyên báo cáo về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; kịp thời tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố về biện pháp phòng chống hiệu quả bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn và dịch hại khác hại lúa”.
Theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái: 1. Đối với bệnh lùn sọc đen: Phun thuốc phòng trừ rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh bằng một trong các loại thuốc như: Shertin 5.0EC, Mospilan 3EC, Butyl 40WG, Virtako® 40WG… 2. Đối với bệnh đạo ôn: Khi điều tra, phát hiện thấy bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại trên đồng ruộng, cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau: - Không bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ nước trong ruộng. - Cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tích cực phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn như: Fujione 40EC, Tilgent 450SC, Natigold 450WG, Tigondiamond 800WP, Beam 75WP, Trizol 20WP, Kabim 30WP, Bemsai 262WP… và tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng” khi phun thuốc. |
Nguyễn Thơm
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu