Văn Chấn: Cây măng sặt tạo sinh kế cho đồng bào vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/6/2021 | 11:08:51 AM

YênBái - Những năm gần đây, cùng với cây quế, thảo quả, sa nhân, măng sặt đang trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, được đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Văn Chấn chú trọng phát triển. Nhận thấy được giá trị của loại cây này, năm 2021 huyện Văn Chấn phê duyệt, triển khai Đề án hỗ trợ trồng cây măng sặt, giai đoạn 2021 - 2025 cho đồng bào 5 xã vùng cao.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân xã Nậm Lành xem xét quy hoạch các diện tích đất lâm nghiệp để phát triển cây măng sặt.
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân xã Nậm Lành xem xét quy hoạch các diện tích đất lâm nghiệp để phát triển cây măng sặt.

Gia đình anh Bàn Tiến Hiền ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành có trên 2 ha cây măng sặt được khoanh nuôi, bảo vệ hơn chục năm nay và mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Anh Hiền chia sẻ: "Măng sặt là cây rất dễ trồng, ít phải chăm sóc và hầu như không có sâu bệnh. So với trồng quế, măng sặt cho thu hoạch đều, giá trị cao hơn vì sau 3 năm đã cho thu hoạch và có thể thu hoạch từ 15 - 18 năm mà không phải trồng lại. Thời điểm thu hoạch măng cũng giải quyết việc làm lúc nông nhàn để nâng cao thu nhập”.

Là loài cây tự nhiên, măng sặt thường mọc ở khu vực đồi núi cao. Với ưu điểm chế biến thành nhiều món ăn ngon, có độ giòn, ngọt, măng sặt ngày càng được thị trường ưa chuộng. Thời điểm đầu vụ, măng sặt có giá lên tới 50.000 đồng/kg nhưng không đủ cung ứng cho người tiêu dùng. 

Từ chỗ hoàn toàn thu hoạch tự nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích đất nương bạc màu sang trồng măng sặt hoặc khoanh nuôi, bảo vệ. Hiện, huyện Văn Chấn có trên 150 ha măng sặt tập trung chủ yếu ở các xã: Nậm Lành, Nghĩa Sơn, An Lương, Suối Bu. Dù việc trồng, chăm sóc đang ở dạng tự phát, nhưng hàng năm, giá trị thu nhập từ măng sặt ước đạt 9 tỷ đồng. 

Ngoài giá trị làm thực phẩm, thân măng sặt có thể chế biến làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm vật liệu phục vụ đời sống hàng ngày. Đặc biệt, măng sặt có dạng rễ chùm, lan rộng có khả năng chống sói mòn đất. Vì vậy, trồng măng sặt có thể đạt được mục tiêu kép là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Ông Triệu Tòn Pết - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Ngoài cây quế, măng sặt hiện là cây trồng đem lại giá trị kinh tế rất cao cho bà con trong xã và nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm từ măng sặt. Từ giá trị kinh tế đó, phong trào trồng măng sặt của bà con trong xã phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, người dân chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như phương pháp để măng mọc đều và sớm hơn. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện quy hoạch đất đai, hướng dẫn kỹ thuật trồng để nhân dân phát triển hiệu quả hơn”.

Hiện tại, huyện Văn Chấn đã chủ động phê duyệt và triển khai Đề án phát triển cây măng sặt giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu xây dựng vùng măng sặt tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích cây măng sặt toàn huyện đạt 250 ha. Đề án đã xem xét, hỗ trợ cho nhân dân 5 xã là: An Lương, Suối Quyền, Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Suối Bu trồng mới 100 ha, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, kinh phí trích từ nguồn ngân sách huyện. 

Ngoài ra, Đề án còn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo các diện tích măng để đưa năng suất bình quân đạt 3,2 tấn/ha/năm. Tổ chức liên kết các hộ, nhóm hộ với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã để thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ măng sặt. 

Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Với phương thức hỗ trợ bằng tiền mặt sau đầu tư, Hạt Kiểm lâm huyện đã hướng dẫn để nhân dân tự trồng, sau nghiệm thu sẽ hỗ trợ trên diện tích đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, phối hợp với các xã, quy hoạch diện tích đất, động viên nhân dân đăng ký trồng. Trên cơ sở diện tích đất quy hoạch, Hạt Kiểm lâm huyện phân bổ diện tích cho từng địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển các diện tích cho từng năm. Đi đôi với triển khai Đề án, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phân công trách nhiệm cho cán bộ kiểm lâm địa bàn theo dõi, hướng dẫn nhân dân quản lý chặt chẽ các diện tích rừng, xử lý nghiêm các trường hợp xâm lấn rừng để trồng măng sặt”.

Với nhu cầu của thị trường hiện nay, có thể khẳng định măng sặt đang là cây trồng có ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế ở vùng cao Văn Chấn. Đồng thời, khả năng nhân giống của loại cây này nhanh, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác ở vùng cao. Việc trồng măng sặt đã và đang tạo sinh kế ổn định, bền vững, giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, tích cực bảo vệ, phát triển rừng.

Ngọc Sơn

Tags Văn Chấn đồng bào vùng cao cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trồng cây măng sặt

Các tin khác

Ngày 6/6, cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Dịch vụ “xe ghép” phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh (ảnh minh họa).

“Xe ghép” là một loại hình dịch vụ đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tại tỉnh Yên Bái, có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này nhưng cùng đó cũng có hình thức kinh doanh tự phát thông qua mạng xã hội. Dịch vụ đi xe ghép phát triển giúp người dân thêm lựa chọn cho nhu cầu đi lại, nhưng cũng cần sớm có phương án quản lý phù hợp.

Điều hành sản xuất điện thương phẩm tại Nhà máy thủy điện Văn Chấn.

Hết tháng 5/2021, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Văn Chấn ước đạt gần 377 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 27% kế hoạch năm.

Đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng trong thời điểm nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Gần nửa năm trôi qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn diễn ra khá chậm, thậm chí nhiều nơi còn chưa có kế hoạch giải ngân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục