Trấn Yên đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2022 | 7:50:45 AM

YênBái - Nhiều năm nay, hình ảnh những chiếc máy cày, bừa hay máy gặt đập lúa liên hợp trong mùa thu hoạch trên các cánh đồng ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên không còn xa lạ với bà con nông dân nơi đây. Hiện nay, địa bàn xã, có khoảng 90% diện tích lúa nước được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Nông dân Trấn Yên thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Nông dân Trấn Yên thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Việc chủ động cơ giới hóa trên đồng ruộng đã góp phần giải quyết tốt tình trạng thiếu nhân công lao động trong mùa thu hoạch, tiết kiệm chi phí và thời gian, sự thất thoát trong khâu thu hoạch cũng giảm đáng kể. 

Ông Nguyễn Tiến Chiển - Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông cho biết: "Một chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động sau khoảng 15 phút đã gặt xong 1 sào lúa nước, trong khi đó chi phí thuê máy rẻ hơn so với việc thuê người gặt. Vụ xuân năm nay, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh triển khai thực hiện mô hình giống lúa mới ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, trong đó đưa vào thử nghiệm máy làm mạ khay và một số máy cấy. Đặc biệt, trong sản xuất đao riềng, người dân đã không còn cảnh khai thác củ bán cho thương lái, thay vào đó các loại máy sơ chế, làm bột, làm miến đã tạo ra sản phẩm có uy tín để nâng cao thu nhập của người dân”.

Để đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, những năm qua, Trấn Yên đã tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân đưa các loại phương tiện máy móc vào phục vụ sản xuất. 

Đồng thời, huyện còn khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư trang bị các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị tổ chức giới thiệu sản phẩm, giúp nông dân tiếp cận với những máy móc, thiết bị phù hợp với tình hình thực tế sản xuất ở địa phương. 

Nhờ đó, đến nay, huyện hình thành được các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật canh tác đồng bộ như vùng sản xuất dâu tằm, tre măng Bát Độ, cây ăn quả, quế… 

Điển hình như trong sản xuất dâu tằm, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng như nuôi tằm trên khay trượt, sử dụng né gỗ ô vuông và các loại máy móc được cải tiến trong việc thu hoạch kén, ươm tơ được áp dụng ngày càng phổ biến, giúp hàng nghìn nông hộ nuôi tằm giảm nhân công, tăng giá trị lao động, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Hiện nay, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không ngừng được tăng lên. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 80%, khoảng 70% diện tích lúa nước được thu hoạch bằng các loại máy gặt đập liên hợp; nhiều diện tích cây ăn quả sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; nhiều loại máy móc hiện đại và các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như tre Bát độ, quế, dâu tằm, chăn nuôi... Thông qua việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và khoa học kỹ thuật nên năng suất trong sản xuất nông nghiệp đã tăng từ 22 - 25% trở lên”.

Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, góp phần tăng năng suất trong sản xuất từ 2-3 lần so với lao động thủ công. 

Có thể thấy, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.  "Nông thôn có máy làm trâu thay người" đã góp phần giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Thời gian tới, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện cho nông dân vay vốn mua máy móc, đổi mới công nghệ với lãi suất thấp để từ đó, người dân sử dụng trong sản xuất, tăng năng suất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và khắc phục tình trạng thiếu nhân công khi vào mùa vụ.

Hùng Cường

Tags Trấn Yên cơ giới hóa nông nghiệp

Các tin khác
Công trình thủy điện Thác Cá 2 trên địa bàn huyện Văn Yên.

Vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn Yên Bái đạt gần 4.790 tỷ đồng, chiếm 68,19%, đạt 38,1% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa.

6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 11.454,5 tỷ đồng, tăng 9,64% so với cùng kỳ.

Vải thiều không hạt trồng tại Lục Ngạn.

Qua quá trình trồng thử nghiệm, đến nay tại Bắc Giang đã sản xuất thành công vải thiều không hạt. Vải cho quả to, mã đẹp, cùi dầy và có vị ngọt, giòn đặc trưng, chín muộn.

Từ tháng 7 này, hàng loạt chính sách kinh tế quan trọng như: tăng mức lương tối thiểu vùng, sử dụng hóa đơn điện tử, quy định về xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái... chính thức được đưa vào áp dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục