Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu nhiều áp lực từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Đây là lý do lãi suất huy động đã liên tục nhích tăng trong nhiều tháng qua.
Tuy lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay trong ngắn hạn cơ bản vẫn giữ ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Trong dài hạn, lãi suất cho vay có thể sẽ biến động phù hợp với cung và cầu của nền kinh tế.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, ước đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân đạt 37.300 tỷ đồng, tăng 9,27% so với 31/12/2021 và tăng 16,23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 25.150 tỷ đồng, tăng 8,96% so với 31/12/2021, vẫn chiếm tỷ trọng cao trên tổng nguồn vốn và chủ yếu tăng ở tiền gửi tiết kiệm.
Việc tăng trưởng nguồn vốn huy động của ngân hàng không những phản ánh niềm tin của người dân, doanh nghiệp với ngân hàng mà còn cho thấy các tiện ích, dịch vụ ngân hàng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là các tiện ích về gửi tiết kiệm, thanh toán trực tuyến, ngân hàng số ngày càng phát triển...
Ngay từ những tháng đầu năm, các chi nhánh ngân hàng đã có sự tăng trưởng tín dụng khá tốt. Dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng khả quan hơn. Các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp hàng tiêu dùng, một số ngành nghề bị ảnh hưởng lớn như hoạt động dịch vụ ăn uống và lưu trú, vận tải, du lịch vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên dư nợ của các ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng kém hơn so với các ngành nghề khác.
Tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đến 31/5/2022, đạt 33.226 tỷ đồng, tăng 9,47% so với 31/12/2021 và tăng 20,37% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 15.274 tỷ đồng, chiếm 45,97% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 17.952 tỷ đồng, chiếm 54,03% tổng dư nợ.
Ước đến 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 33.700 tỷ đồng, tăng 11,03% so với 31/12/2021 và tăng 21,29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 15.450 tỷ đồng, chiếm 45,85% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 18.250 tỷ đồng, chiếm 54,15% tổng dư nợ.
Việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được quan tâm thực hiện quyết liệt. Dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 31/5/2022 là 5.852 tỷ đồng, chiếm 17,61% tổng dư nợ trên toàn tỉnh. Từ ngày 23/1/2020 đến nay, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn cho 72.937 khách hàng.
Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay là 18.792 tỷ đồng đối với 17.778 khách hàng. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu; lũy kế giảm lãi từ mức 0,2% đến 2,5%/năm cho 54.403 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 24.455 tỷ đồng. Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền là 1,512 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp.
Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chuẩn bị tốt các điều kiện về vốn, thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch.
Quang Thiều