14/44 Bộ, cơ quan Trung ương không cung cấp bất kỳ thông tin nào về ngân sách

Mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương năm 2021 dù có sự cải thiện so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ tăng 9,26 điểm so với khảo sát năm 2020.
Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) được thực hiện định kỳ từ năm 2018 là khảo sát độc lập đầu tiên tại Việt Nam đánh giá mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương. Đây là công cụ giúp các Bộ, cơ quan Trung ương có thể tham chiếu và đo mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015.
Kết quả MOBI 2021 được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) công bố ngày 18/10 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương dù có sự cải thiện so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức thấp. Điểm số trung bình MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020.
Đặc biệt trong năm 2021, các Bộ, cơ quan Trung ương công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định. Có 30 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2021 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách, tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2020. Đáng chú ý, tại thời điểm 31/3/2022, có 14/44 Bộ, cơ quan Trung ương (tương đương với 31,8%) không công khai tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Chuyên gia tài chính công, Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
"Chỉ số công khai ngân sách nhìn chung có sự cải thiện nhưng không đáng kể, các Bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 23 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2022, chỉ có 7/23 đơn vị công bố đúng thời hạn. Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2020, có 12/20 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định, ông Cường cho biết. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2021”, ông Cường cho hay.
Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương năm 2021 cũng đánh giá về tính thuận tiện, tuy nhiên chỉ có 33/44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 75%), tăng 1 đơn vị so với khảo sát MOBI 2020. Định dạng của các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu dưới dạng PDF hoặc scan ảnh, do vậy, còn hạn chế cho người dân đọc và sử dụng thông tin ngân sách từ các định dạng tài liệu này.
Nhận xét về MOBI 2021, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Đại diện nhóm Nghiên cứu cho rằng, việc sau gần 1 thập niên thực hiện Luật Ngân sách mới, các Bộ, cơ quan Trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật NSNN 2015 và hướng dẫn của các Thông tư 61/2017 và 90/2018 của Bộ Tài chính.
"Kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 cơ quan trung ương không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Với các đơn vị có công khai nhưng đại đa số mức độ còn sơ sài và không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9. Nếu so sánh với việc công khai ngân sách của các địa phương thì các cơ quan Trung ương đã đi sau rất nhiều…”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nêu thực tế.
Từ kết quả khảo sát MOBI 2021, đại diện nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia đưa ra các nhóm khuyến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ và cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước, nhằm thúc đẩy các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật và ban hành chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện công khai NSNN. Trong đó, Chính phủ cần áp dụng biện pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật về công khai ngân sách và báo cáo với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Thương, đại diện Tổ chức điều phối Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) cho rằng, điểm trung bình của MOBI 2021 là 30.9/100 điểm, trong khi điểm trung bình của chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021 là 69.53/100 điểm. Điều này cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương chưa cải thiện mức đô công khai ngân sách, chưa thực hiện đúng các quy định về công khai ngân sách như các tỉnh, thành phố.
(Theo VOV)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mở rộng không gian phát triển du lịch Y Tý

Mở rộng không gian phát triển du lịch Y Tý

Sau hợp nhất, xã Y Tý (Lào Cai) sở hữu những tiềm năng và lợi thế vượt trội về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các dân tộc giàu bản sắc. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và nông nghiệp ôn đới. Với không gian mở rộng, Y Tý có nhiều dư địa để thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy hành chính hai cấp

Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy hành chính hai cấp

Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 5552/BCT-TCCB ngày 25/7 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký về việc thực hiện Kết luận số 178-KL/TW ngày 17 tháng 7 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục triển khai các nhiệm vụ bảo đảm tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính hai cấp hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Rà soát, xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Rà soát, xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương rà soát, đánh giá và xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Công nghệ nội địa và bài toán tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả

Công nghệ nội địa và bài toán tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả

Với hàng trăm triệu tấn phụ phẩm mỗi năm, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển hóa 'rác thải' thành những sản phẩm giá trị cao, từ nhiên liệu sinh học, nhựa phân hủy đến mỹ phẩm. Sự chủ động của doanh nghiệp và các giải pháp công nghệ nội địa đang mở ra con đường tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận và giảm tác động môi trường.

NỖ LỰC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH Ở MỨC CAO NHẤT

NỖ LỰC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH Ở MỨC CAO NHẤT

SAU KHI HỢP NHẤT, TỈNH LÀO CAI (MỚI), NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH ĐƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM, HĐND TỈNH ĐÃ HỢP NHẤT DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (NSNN) THEO HƯỚNG DẪN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TÀI CHÍNH, TỈNH LÀO CAI MỚI SAU HỢP NHẤT ĐÃ TẬP TRUNG QUẢN LÝ NGUỒN THU NGÂN SÁCH VÀ QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU NĂM 2025.

fb yt zl tw