Sau nhiều năm hoạt động, HTX Suối Giàng (Văn Chấn) đã thành công trong việc thay đổi hình thức sản xuất chè cho các hộ thành viên từ nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, giá cả bấp bênh sang hợp tác sản xuất với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. HTX phụ trách hướng dẫn, điều hành tất cả các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên.
Sản phẩm Tuyết Sơn trà của HTX cũng đã xây dựng được bao bì, nhãn mác nhưng lại rất cần gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường... Điều này đã được OCOP giải đáp sau khi sản phẩm Tuyết Sơn trà của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX Suối Giàng chia sẻ: "Đến nay, đa số khách hàng trong và ngoài tỉnh đều biết đến xã Suối Giàng có Tuyết Sơn trà với 4 dòng sản phẩm chính. Đó là kết quả của những lần tham gia trưng bày, giới thiệu ở khắp 49 tỉnh, thành trên cả nước mà Chương trình OCOP đã thúc đẩy thương hiệu sản phẩm rất hiệu quả. Khi dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, HTX vẫn trụ vững bởi sự linh hoạt thay đổi cách thức bán hàng sang bán hàng online, các trang, sàn thương mại điện tử mà các cấp, các ngành tư vấn, hỗ trợ tích cực. Nhờ OCOP, Tuyết Sơn trà được tạo điều kiện để chuẩn hóa, có thị trường tiêu thụ ổn định, khẳng định uy tín trên thị trường”.
HTX Suối Giàng đang ngày càng phát triển với doanh thu tăng dần theo mỗi năm (năm 2022, dự ước đạt trên 2 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước). Tháng 5 năm nay, HTX còn ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với Công ty KoBa Planning Nhật Bản.
Với thương hiệu Tuyết Sơn trà hiện nay, HTX không những đã đạt được mục tiêu ban đầu là lấy lại thương hiệu cho vùng chè quý mà còn tạo thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng/năm cho các hộ đồng bào tham gia liên kết sản xuất và 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Tham gia OCOP là hướng đi hiệu quả, động lực thúc đẩy HTX phát triển. Việc gắn chính sách hỗ trợ OCOP với việc xây dựng phát triển HTX đã góp phần hình thành các HTX phù hợp về quy mô, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Còn thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP giúp HTX nâng cao trình độ, năng lực quản lý; các thành viên HTX từng bước thay đổi tư duy, nhận thức tổ chức sản xuất các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, dần trở thành thương hiệu riêng của vùng, miền.
Đây cũng là cơ hội tốt để các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, giống như một "tấm giấy thông hành” để đưa đến những phân khúc thị trường mới hơn, cao cấp hơn.
Anh Nguyễn Văn Toản - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái cho biết: "Năm 2019, sản phẩm miến đao của HTX được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh và năm 2021 tiếp tục được nâng cấp lên 4 sao - đây là bước ngoặt lớn để sản phẩm tiếp cận với nhiều nguồn khách hàng, thị trường khó tính. Hiện nay, với nhiều sự hỗ trợ, tư vấn tích cực từ các cấp, các ngành, mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 100 tấn miến đao, trong đó đưa vào hệ thống siêu thị Big C ở miền Bắc khoảng 30 tấn/năm. Ngoài ra, còn có hệ thống nhà phân phối rộng khắp các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…”.
Đến tháng 9/2022, tỉnh Yên Bái có 147 sản phẩm OCOP của 106 chủ thể, trong đó có 99 sản phẩm của 79 chủ thể là HTX, chiếm 67,3% tổng số sản phẩm OCOP và 74,5% chủ thể OCOP của tỉnh. Đến tháng 11 năm nay, toàn tỉnh có 159 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao; trong đó có 22 sản phẩm đạt 4 sao, 137 sản phẩm đạt 3 sao. Điều này chứng minh cho vai trò chủ đạo của loại hình HTX trong Chương trình OCOP tại tỉnh.
Theo đó, HTX là nhân tố chính, là động lực, là đòn bẩy để thực hiện thành công Chương trình OCOP, cũng là phù hợp với mục tiêu quan trọng của Chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Hoài Anh