Yên Bái quản lý, ổn định thị trường hàng hoá dịp tết Nguyên đán

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2023 | 7:33:21 AM

YênBái - Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Do đó, công tác bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hoá thời gian này đang được các ngành chức năng quan tâm chú trọng.

Cán bộ Đội số 2 Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hoá tết tại thành phố Yên Bái.
Cán bộ Đội số 2 Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hoá tết tại thành phố Yên Bái.

BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU, ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA

Để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ trước, trong và sau tết, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng lưu thông trên thị trường, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4525/UBND-CN, ngày 16/12/2022 về đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Theo đó, Sở Công Thương chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. 

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Đơn vị đã chủ động làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường. Sở đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán”.  

Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng cường phân phối hàng hoá chuẩn bị đủ về lượng, phong phú về chủng loại với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, tập trung vào một số mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng để tham gia vào thị trường. 

Đối với mặt hàng xăng dầu, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường. 


Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu để phục vụ người dân trên địa bàn. 

Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Huyện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc tình hình thị trường, nhu cầu của người dân để có phương án đảm bảo nguồn cung và phương án cung ứng hàng hóa phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào địa phương để cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng hoá tết trên địa bàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trước trong và sau tết Nguyên đán”.

Bên cạnh đảm bảo cân đối cung cầu, tình hình sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại… cũng được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trong dịp này. 

Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa, tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đảm bảo an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. 

Chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 24 vụ việc, trong đó xử lý 20 vụ với 20 hành vi vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 315 triệu đồng, số tiền bán hàng tịch thu là trên 54 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy là trên 2,4 tỷ đồng.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA DỊP CAO ĐIỂM

Nâng cao công tác quản lý, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm, bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh, ngành, địa phương, Đội quản lý thị trường số 4 đã chủ động triển khai kế hoạch công tác, kiểm tra thị trường định kỳ, chuyên đề để ổn định thị trường. 

Trước tình trạng dịp cuối năm, các đối tượng kinh doanh lợi dụng sức mua sắm tăng cao đã đưa các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng vào địa bàn để tiêu thụ, nâng giá so với quy định, gây hỗn loạn thị trường. 


Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 hướng dẫn nhân dân xã Xuân Ái cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Với địa bàn quản lý gồm 2 huyện là Trấn Yên và Văn Yên có hệ thống đường thủy, đường sắt, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, là đầu mối giao thương sôi động, Đội Quản lý thị trường số 4 đã chủ động bám sát các kế hoạch của các cấp, các ngành, của tỉnh, của huyện Trấn Yên, Văn Yên để tổ chức kiểm tra thị trường; tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, xây dựng cơ sở thông tin để có mạng lưới cơ sở vững chắc, nhằm phục vụ công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực. 

Ông Hoàng Ngọc Sinh - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho biết: Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm dịp tết Nguyên đán của người dân, Đội chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường phòng, chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn.

"Chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng cao của 2 huyện; thực hiện việc ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm” - ông Sinh nói. 

Được biết trong năm vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra 238 vụ, xử lý 88 vụ, phạt hành chính gần 340 triệu đồng, bán hàng tịch thu trị giá gần 2 tỷ đồng, tiêu hủy hàng trị giá gần 221 triệu đồng, hàng tịch thu chờ xử lý trên 29 triệu đồng. 

Qua công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm, Đội đã kết hợp việc tuyên truyền hướng dẫn pháp luật thương mại cho các cơ sở, cá nhân; tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó đã có trên 860 cơ sở ký cam kết. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đội tăng cường kiểm tra các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, sở hữu trí tuệ, tập trung vào các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu; tăng cường công tác quản lý địa bàn kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông giữa các địa bàn giáp ranh, đặc biệt là trên tuyến đường cao tốc, đường sắt, đường thủy; thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão.

Tăng cường công tác thông tin, dự báo tình hình thị trường, theo dõi sát những diễn biến của thị trường để chủ động đề xuất vào các chương trình, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm trong hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo bình ổn thị trường để nhân dân đón tết an toàn.


KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH VỚI GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

■ Ông Phan Bá Hùng - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái: 



Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã giao các đội nắm bắt tình hình giá cả, chủ động xây dựng kế hoạch công tác tập trung quản lý địa bàn, quản lý lưu lượng hàng hóa ra vào tỉnh. Đặc biệt vào thời điểm những ngày giáp tết Nguyên đán, hành vi vi phạm về hàng giả, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại cũng như về an toàn thực phẩm có chiều hướng tăng và dự báo có diễn biến phức tạp. 

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm diễn ra trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đội tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình thị trường và có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phục vụ tết. Các đội quản lý thị trường trực thuộc bám sát địa bàn trung tâm các huyện, thị, thành phố, các chợ vùng sâu, vùng xa và trong dịp tết luôn có lãnh đạo và công chức trực 24/24h để sẵn sàng kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm. Cục đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng 0911.282.389 để người tiêu dùng nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thì thông báo kịp thời.

■ Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hằng Hiển: 



Để phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng ngoài các mặt hàng phục vụ tết, Công ty đảm bảo cung cấp các mặt hàng công nghệ phẩm như: mì tôm, phở gói, sữa tươi, nước uống đóng chai, mì chính, nước mắm…, ước giá trị 7 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng, phân phối cho các mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện tại, Công ty đã thỏa thuận với các nhà cung cấp sẽ cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân khi lượng mua sắm tăng cao.

■ Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Văn Yên:



UBND huyện đã ban hành Quyết định số 5689/QĐ-UBND ngày  26/12/2022 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo bình ổn thị trường hàng hóa dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó tập trung vào nhóm mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán và việc tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập trong quản lý nhà nước về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn.

■ Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Thôn Ngòi Lèn, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên:



Thông qua các buổi tuyên truyền do lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương, tại các buổi chợ phiên, bản thân tôi cũng nâng cao nhận thức để phân biệt hàng thật hàng giả, qua đó vận động, tuyên truyền gia đình, người thân, nhân dân nâng cao ý thức, không tiếp tay cho các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là chủ động, tích cực cung cấp thông tin về các hành vi gian lận thương mại cho các lực lượng chức năng đấu tranh làm rõ, tiến tới bài trừ các hành vi gian lận thương mại, đưa hàng giả, hàn nhái, hàng kém chất lượng vào địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. 

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG, NGUỒN CUNG SẴN SÀNG

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh địa bàn toàn tỉnh đã có kế hoạch cụ thể đối với việc nhập hàng, dự trữ hàng. Với tinh thần chủ động, sẵn sàng nên nguồn hàng phục vụ tết năm nay dồi dào, phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.


Nhân viên Doanh nghiệp tư nhân Sức Xuân ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái kiểm tra hàng hoá trước khi giao cho đại lý. 

Thời điểm này, Doanh nghiệp tư nhân Sức Xuân ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tấp nập xe chở hàng ra, vào. Hiện nay, Doanh nghiệp đã phân phối đủ số lượng hàng hoá cho trên 30.000 đại lý ở 9 huyện, thị xã, thành phố. 

Chị Nguyễn Hồng Thắm - chủ Doanh nghiệp tư nhân Sức Xuân cho biết: "Để có đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán, chúng tôi có kế hoạch nhập hàng từ tháng 10/2022, đến nay đã là đợt nhập hàng thứ 3 và đã phân phối được trên 90% lượng hàng hoá trong kho. Dự kiến vụ tết năm nay sẽ nhập khoảng 7 tỷ tiền hàng, chủ yếu là mặt hàng bánh kẹo”. 

Đối với Siêu thị Winmart - tầng 2, Trung tâm Thương mại Vincom Yên Bái đảm bảo cung cấp các mặt mặt hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả, công nghệ chế biến, hàng tiêu dùng khác. 

Để bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, Siêu thị Winmart Yên Bái đã chủ động lên phương án nhập hàng từ cách đây vài tháng với tổng giá trị hàng hóa khoảng trên 5 tỷ đồng. Đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi nhằm chủ động nguồn cung. 

Đại diện Siêu thị Winmart Yên Bái cho biết: "Hàng hóa năm nay đa dạng về mẫu mã, chủng loại đến từ các thương hiệu uy tín trong nước, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định. Hiện tại, lượng hàng dự trữ của siêu thị tăng 30% - 50% so với các tháng khác trong năm, tăng 10% - 20% so với dịp tết Nguyên đán năm trước. Siêu thị cũng đã bắt đầu áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại và cam kết không tăng giá bán”. 

Cửa hàng công nghệ phẩm Chị Sâm nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, phường Yên Ninh giờ này đã ngập tràn các loại bánh, mứt, kẹo phục vụ ngày tết. Chị Sâm cho biết: "Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân vào thời điểm này, cửa hàng đã đăng ký với nhà phân phối số lượng hàng tết khoảng 1 tỷ đồng từ cách đây 3 tháng. Đối với các loại thực phẩm thiết yếu thời điểm này giá đã tăng đôi chút nhưng tại cửa hàng của tôi giá vẫn giữ nguyên vì tôi đã nhập hàng từ trước”.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 96 chợ truyền thống đang hoạt động, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 18 cửa hàng Winmart+, 150 cửa hàng tiện lợi/tiện ích đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. 

Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tập trung nguồn lực để dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tươi sống, trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn cung ứng xăng dầu. 

Sở Công Thương đã làm việc với Công ty Xăng dầu Yên Bái và một số thương nhân phân phối để đảm bảo nguồn cung tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và tâm lý người dân. 

Qua nắm bắt thực tế và báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm chủ đạo giá trị lượng hàng hóa năm nay ước tính khoảng 45 tỷ đồng, lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, tập chung tại một số nhà phân phối chính. 

Điển hình như: Công ty TNHH Thương mại Nga Hoàn ở tổ 4, phường Hợp Minh, ước giá trị hàng hoá dự trữ gần 2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư  Yên Bái, phường Hồng Hà là 4 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Tuấn Tuyết, phường Hợp Minh là 5 tỷ đồng; Hệ thống 18 cửa hàng Winmart+ đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả, công nghệ chế biến, hàng tiêu dùng khác, ước giá trị 8 tỷ đồng...

Hiện nay, các đơn vị đã phân phối đến các đại lý và đẩy mạnh bán ra trước tết, không để hàng tồn đọng sau tết. Các doanh nghiệp triển khai nhập hàng và dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết tăng nhẹ khoảng từ 8 - 10% so với năm 2022 và tăng từ 10 - 15% so với thời điểm các tháng bình thường trong năm. Qua nắm bắt thực tế, lượng hàng hóa trên thị trường khá dồi dào, phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, giá tăng nhẹ. 

Cụ thể đối với các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, dầu ăn, mì chính, nước mắm tăng 5%; các mặt hàng tết như bánh kẹo, mứt tết tăng 15%. Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu của người dân trên địa bàn vẫn đang ở mức bình thường, thậm chí giảm. Theo dự kiến, nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán của người dân chỉ bùng nổ, tăng mạnh vào thời điểm sau ngày 23/12 âm lịch. 

Hồng Duyên - Nguyễn Thơm - Thanh Tân

Tags Yên Bái quản lý thị trường hàng hoá tết Nguyên đán

Các tin khác
Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập chợ Tết

Nhập khẩu tăng mạnh, hàng Trung Quốc đổ bộ về thị trường Tết Quý Mão. Trong đó, nhiều mặt hàng được rao bán với mức giá siêu rẻ, đặc biệt là mứt trái cây.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn huyện Lục Yên.

Huyện Yên Bình và huyện Lục Yên có tổng số 1.298 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại. Các cơ sở kinh doanh tập trung chủ yếu tại khu vực thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà và thị trấn Yên Thế.

Hết năm 2022, thị xã đã trồng rừng mới được trên 163 ha, bằng trên 102% kế hoạch, đưa tỷ lệ che phủ rừng của thị xã đạt 23,6%. Đây cũng là năm đầu tiên thị xã hoàn thành tiến độ trồng rừng sớm và nhiều nhất trong những năm trở lại đây.

Giá dầu diesel giảm 520 đồng/lít, chỉ còn 21.620 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 960 đồng/lít, giá bán là 21.800 đồng/lít.

Giá xăng E5 RON 92 và RON 95 vẫn giữ nguyên giá so với kỳ trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục