Từ đầu tháng Giêng đến nay, khi các loại cây trồng khác đang trong thời kỳ chăm sóc thì người trồng chè ở xã Hán Đà đã "hái tiền” từ lứa chè xuân. Gia đình ông Phạm Đức Hồng, thôn Phúc Hòa những ngày này đang thu hái 0,7 ha chè vụ xuân trồng bằng giống BH1.
Đây là giống chè có năng suất và chất lượng cao lại có khả năng chịu rét nên cho sản lượng khá cao. Do chè vụ xuân là vụ chè có chất lượng ngon nhất trong năm, với các đặc trưng: thơm, nước xanh, có vị ngọt hơn hẳn chè các vụ khác, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Vì thế, chè sản xuất đến đâu khách hàng đều đặt mua hết đến đó.
"Để tăng giá trị kinh tế, gia đình tôi đã chế biến chè búp thành trà thành phẩm. Riêng vụ xuân, gia đình tôi thu hoạch và chế biến được 1,4 tạ chè thành phẩm với giá bán hiện tại là 200.000 đồng/kg chè khô và đã cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Từ trồng chè, mỗi năm gia đình tôi thu về từ 100 - 150 triệu đồng” - ông Phạm Đức Hồng chia sẻ.
Không riêng gia đình ông Hồng, thời điểm này, trên nhiều đồi chè ở xã Hán Đà, người nông dân đang phấn khởi thu hái chè vụ xuân bằng giống chè BH1. Đây là giống chè cho thu hoạch gần như quanh năm; trong đó, vụ chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11; vụ xuân từ giữa tháng Giêng đến tháng 3.
Bà Hoàng Thị Sơn - một trong những người có thâm niên trồng chè tại xã Hán Đà phấn khởi cho biết: "Nhờ thay đổi giống chè cũ bằng giống chè BH1 mà riêng vụ chè xuân gia đình cũng thu về hơn chục triệu đồng. Cây chè đã mang lại nguồn thu nhập tương đối lớn, ổn định cho gia đình tôi”.
Hán Đà là vùng trồng chè truyền thống của huyện Yên Bình nhưng phần lớn là giống chè cũ, kém năng suất nên giá trị kinh tế thấp. Nhiều năm qua, để tăng năng suất, chất lượng chè, xã Hán Đà đã khuyến khích người dân cải tạo các đồi chè và đưa những giống có năng suất, chất lượng cao như chè lai LDP2, BH1 vào trồng thay thế.
Cùng đó, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật hướng dẫn trồng, chăm sóc; tập trung phát triển cây chè theo quy trình VietGAP, xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này. Đến nay, sản phẩm chè của xã Hán Đà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm "Chè xanh Hán Đà”.
Theo thống kê, xã Hán Đà hiện có khoảng 200 ha chè; trong đó, có tới 72 ha đạt chứng nhận VietGAP, chủ yếu là giống chè BH1. Cây chè đang là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng chủ lực của bà con nơi đây. Hàng năm, sản lượng chè trên địa bàn xã đạt trên 2.080 tấn, thu nhập bình quân 1 ha trồng chè đạt khoảng 250 triệu đồng/năm, đem lại doanh thu toàn xã khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.
Thời điểm này, cùng với việc thu hái, chăm sóc chè, nông dân xã Hán Đà cũng đang mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, chú trọng chất lượng chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Nhấn mạnh về giá trị kinh tế của cây chè, ông Tăng Thành Công - Bí thư Đảng ủy xã Hán Đà cho biết, cây chè được xem là cây trồng chủ lực truyền thống của địa phương, nên xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm chè và xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chè thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần vào ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bằng việc đưa các giống mới kết hợp ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, đến nay, sản phẩm chè xanh của xã Hán Đà đang được nhiều người tiêu dùng biết đến và cây chè tiếp tục hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Văn Thông