Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo cho cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, đạt giá trị là 3,45 tỉ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.
Giá gạo ngày càng cạnh tranh, người nông dân thắng lớn
Tiếp tục duy trì đà xuất khẩu, kim ngạch trong tháng đầu năm 2023 đạt 359.310 tấn gạo, mang về 186,6 triệu USD. Đáng chú ý, mức giá trung bình tăng với 519,3 USD/tấn. Vì vậy, xuất khẩu dù giảm về lượng song giá tăng 6,8%.
Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho hay lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân. Đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước.
Dẫn chứng, giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg. Song mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.
Cơ cấu chủng loại gạo ngày càng đa dạng. Gạo trắng chiếm tỉ trọng ổn định (dưới 45%), tiếp đến là gạo thơm, gạo nếp. Các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng có tỉ trọng khiêm tốn. Tuy vậy, sản phẩm này giúp đa dạng sản phẩm, đồng thời khẳng định giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong đầu năm 2023. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới.
Cụ thể, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 15-27 USD và của Ấn Độ là 40-50 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15-2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ 2022. Như vậy mức giá này bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, tăng 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Tất cả thị trường xuất khẩu gạo đều tăng trưởng. Đặc biệt là thị trường EU tăng vượt bậc với 94.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp. Bộ Công Thương đánh giá thực tế này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng tăng và đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính và tận dụng tốt các FTA.
Thị trường thế giới khó, triển vọng cho Việt Nam
Tuy vậy, bộ cũng nhìn nhận chiến lược đa dạng hóa thị trường chưa mang tính bền vững. Xuất khẩu phụ thuộc vào một số thị trường như Trung Quốc, Philippines. Xuất khẩu chủng loại gạo chất lượng cao còn hạn chế.
Chi phí sản xuất tăng nhưng giá chưa tăng nhiều. Gạo Việt vẫn bị cạnh tranh gay gắt từ nguồn cung giá rẻ như Ấn Độ, Pakistan.
Về xu hướng trong thời gian tới, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo toàn cầu giảm 4%. Chủ nghĩa bảo hộ lương thực có xu hướng lan rộng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu tác động đến năng suất, diện tích canh tác. Cộng thêm là tác động của lạm phát làm ảnh hưởng tiêu dùng hàng hóa.
Tuy vậy, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu gạo vẫn sẽ có những thuận lợi. Lý do bởi nguồn cung gạo từ các nước lớn có thể thiếu hụt trước tác động biến đổi khí hậu. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa sau dịch COVID-19 sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu. Chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn.
Để đạt được kết quả trên, Bộ Công Thương cho hay sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn. Đó là việc trao đổi với EU bổ sung danh mục gạo thơm và sửa đổi quy định liên quan.
Cung cấp nguồn vốn tín dụng linh hoạt, bằng hình thức tín chấp với thương nhân uy tín. Thúc đẩy xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường...
(Theo TTO)