Để Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai có hiệu quả, ngay từ ngày đầu thực hiện, UBND huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình cấp huyện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan được giao làm chủ Chương trình thực hiện rà soát, đề xuất danh mục các dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm.
Trên cơ sở quyết định giao kế hoạch vốn của UBND tỉnh cho từng dự án, UBND huyện ban hành quyết định giao kế hoạch vốn từng dự án đến chủ đầu tư. Chương trình được triển khai trên địa bàn huyện Trạm Tấu với 8 dự án, 7 tiểu dự án, 4 nội dung.
Các dự án được triển khai thiết thực, tác động tích cực lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc, xoay quanh việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn…
Trong quá trình triển khai thực hiệN, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, phối hợp, lồng ghép thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền để nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS dễ tiếp cận, dễ hiểu.
Thông qua công tác tuyên truyền giúp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS và người dân sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn hiểu, tích cực tham gia đồng hành cùng các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công luôn được huyện quan tâm, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Năm 2022, huyện đã giải ngân được trên 31,841 tỷ đồng. Thông qua thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc khác đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KTXH địa phương. Nhờ đó, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo huyện Trạm Tấu giảm còn 56,37%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 24.120 tấn trong đó: sản lượng thóc đạt 15.388 tấn, sản lượng ngô ước đạt: 8.732 tấn; đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng lên, đồng bào các DTTS tiếp tục duy trì, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được ổn định, không có "điểm nóng”.
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa Chương trình, huyện Trạm Tấu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện; làm tốt công tác rà soát các danh mục cần đầu tư hỗ trợ, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, tránh chồng chéo lãng phí; thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở, kịp thời đề xuất, điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp; lựa chọn danh mục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các dự án có tính khả thi; có kế hoạch cụ thể, rà soát kỹ, xử lý dứt điểm từng dự án nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn…
Lê Thương