Đến nay, toàn huyện Văn Yên có 38 sản phẩm OCOP; trong đó, có 2 sản phẩm 4 sao, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng tăng quy mô với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, huyện tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, huyện tập trung quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, riêng năm 2022, huyện đã xây dựng được 11 sản phẩm; trong đó, có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là tinh bột sắn của Nhà máy Sắn Văn Yên.
Theo ông Lê Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên: sau 4 năm triển khai, đến nay, huyện đã có 38 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Qua đó, bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy, khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Qua đánh giá cho thấy, đa số các chủ thể có sản phẩm tham gia đều đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất, nhiệt tình tham gia và đã cơ bản nắm được các nội dung cần triển khai thực hiện để tập trung hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để đánh giá theo quy định. Các phòng, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn đã vào cuộc tích cực để thực hiện chương trình OCOP của huyện.
Phát huy kết quả đạt được, Văn Yên phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao (dự kiến sản phẩm tinh dầu quế Văn Yên); có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài (tinh dầu quế, quế sáo, trà quế, cao cà gai leo, tinh dầu thực vật Đại Phú An...).
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho hội đồng, tổ giúp việc, các tổ chức, cá nhân tham gia đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Văn Yên; đồng thời, đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị tiêu biểu trong triển khai Chương trình OCOP trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực các sản phẩm chủ lực của huyện; vận động các DN, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình DN nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP.
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; sử dụng "Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị DN, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Hùng Cường