Nghề đan rọ tôm ở Xuân Lai
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cuộc sống của người dân xã Xuân Lai (Yên Bình) đang từng ngày ổn định hơn nhờ nghề đan rọ tôm! - Đó là lời khẳng định của những người làm nghề lâu năm trong xã. Người dân xã Xuân Lai làm nghề không chỉ để phục vụ cho việc đánh bắt thuỷ sản của xã mình trên hồ Thác Bà mà rọ tôm đã trở thành mặt hàng "xuất khẩu" ra các xã bạn, và các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Phú Thọ...
Chợ rọ tôm ở Xuân Lai.
|
Chúng tôi đến Xuân Lai vào đúng lúc phiên chợ diễn ra sôi nổi nhất. Dòng người đến trợ từ thôn Đèo Quân, Xuân Bình, Cây Luồng, Cây Tre… Người gánh, người quảy, người chở bằng xe máy, người già có, trẻ có… hầu như ai cũng mang mặt hàng này tới chợ. Theo ông Lương Mạnh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã thì trước đây người dân trong xã sống rất vất vả, thiếu đói triền miên cuộc sống chỉ trông chờ vào diện tích lúa ít ỏi. Từ khi có nghề, người dân có cuộc sống sung túc hơn và hiện nay có đến 90% dân số trong xã làm nghề đan rọ tôm. Ba người bình quân một ngày cũng đan được gần trăm chiếc rọ. Nếu tính theo giá bình quân 1.000 đồng/ chiếc trừ chi phí nguyên vật liệu thì mỗi người cũng được khoảng 25.000 đồng/ngày.
Hai bên đường, rọ tôm xếp những thành đống to. Người buôn rọ đến để lấy hàng về xuôi, mang lên huyện Lục Yên, xã Mông Sơn, huyện Na Hang (Tuyên Quang)… Mỗi phiên chợ có khoảng 8 vạn cái rọ, phiên nào nhiều lên đến 10 vạn rọ. Chợ rọ tôm họp từ 6 giờ sáng đến 10 giờ ai cũng bán hết.
Đến bên người phụ nữ đang phấn khởi đếm tiền vừa bán rọ tôm tôi hỏi: Chị bán được bao nhiêu tiền?
- 180 cái, được có 900 đồng một cái, phiên chợ trước còn bán được 1.200 đồng một cái.
- Nhà chị có mấy người?
- Có 4 người nhưng chỉ có 3 người tranh thủ làm thôi. Một tuần có hai phiên chợ thì tôi cũng bán được khoảng trên 3 trăm rọ.
Niềm vui của người phụ nữ này cũng là niềm vui của hàng trăm người đi chợ hôm nay.
Rọ tôm có hai loại: Rọ tế (dùng vào tháng 1, 2, 3 khi nước hồ cạn) đan bằng vỏ cây tế. Rọ tống (dùng vào tháng 10, 11, 12 khi nước hồ lên) kích cỡ to hơn rọ tế một chút và được đan bằng cây nứa dại. Đan rọ tôm không phải bỏ vốn lớn và cũng không khó lắm. Người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà tất cả đều đan được rọ tôm, vừa xem ti vi vừa đan rọ. Chị Đàm Thị Ngọc ở thôn Xuân Bình cho biết: “Đan rọ ai cũng làm được nhưng phải khéo léo và tỉ mỉ từ khâu chẻ nứa đến đan hom và hoàn thành rọ”. Em Hoàng Ngọc Tư, 10 tuổi biết đan rọ từ lúc lên 5 tuổi và bây giờ một buổi chiều em đan được 30 cái hom.
Lợi thế của nghề đan rọ là người dân có thể tận dụng được quỹ thời gian, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ. Những người bận rộn thì tranh thủ thời gian nghỉ trưa hay buổi tối để đan rọ; trẻ nhỏ ngoài giờ học hay lúc đi chăn trâu cũng đan rọ và người già sức lực cũng phù hợp với nghề này. Nhờ đan rọ mà đã có nhiều gia đình thoát nghèo trở nên khá giả như gia đình anh Hoàng Ngọc Cương thôn Xuân Bình, gia đình anh Mai Châu Xuân thôn Cây Tre... Theo những người đan rọ "có nghề" tâm sự thì nghề này mặc dù là nghề phụ nhưng cũng đem lại thu nhập cao và cuộc sống của người dân nơi đây được như bây giờ cũng là từ nghề phụ này. Chẳng hạn người Dao ở thôn Đèo Quân cách đây vài ba năm thôi cuộc sống rất thiếu thốn, bây giờ họ cũng tranh thủ thời gian để đan rọ tôm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khi được hỏi về nguồn thu nhập từ nghề đan rọ Chị Lý Thị Thơm ở Đèo Quân tâm sự: "Tiếng là nhà nông nhưng ruộng ở đây ít lắm chỉ được có 300m2 /khẩu, may mà có nghề này đấy, thu nhập mỗi tháng cũng được vài trăm ngàn đồng. Nguồn thu không nhỏ này đã góp phần làm sung túc hơn cuộc sống của gia đình tôi". Tâm sự của chị Thơm chắc chắn sẽ là tâm sự của nhiều người dân ở xã Xuân Lai.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Hưng Thịnh - một xã nghèo năm xưa của huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang đổi thay. Những bản làng xơ xác xưa kia nay đã bao trùm một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng, ruộng lúa trĩu hạt, đường làng lối xóm rộng mở thênh thang, những ngôi nhà xây to đẹp đã mọc lên giữa bạt ngàn rừng keo, đồi quế. Nhịp sống ngày mới như đang hối hả hơn.
YBĐT - Mùa xuân là mùa trồng rừng. Như thông lệ cứ vào tháng áp tết Nguyên đán bà con nông dân trong tỉnh lại tất bật đào hố chuẩn bị cho trồng rừng vụ xuân. Theo kế hoạch năm 2007, toàn tỉnh đăng ký trồng mới trên 15 ngàn ha rừng trong đó có 1.600 ha rừng phòng hộ, 12.400 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phân tán.
YBĐT - Đến Y Can - một xã vùng sâu nằm ở phía Tây của huyện Trấn Yên những ngày đầu năm, được tận mắt chứng kiến không khí lao động khẩn trương trên nương quế, dưới đồng ruộng của các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Dao, Tày, Mường, Nùng... mới cảm nhận được sức bật mới cùng những đổi thay kỳ diệu của vùng quê nghèo bên hữu ngạn sông Hồng.
YBĐT - Thực hiện Hiệp định tín dụng Dự án " Phát triển chè và cây ăn quả", giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và mục tiêu của dự án là tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị hàng nông sản thông qua việc phát triển sản xuất chè và cây ăn quả, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua trồng chè, cây ăn quả, tỉnh Yên Bái là một trong 6 tỉnh được thực hiện Dự án chè trong dự án giai đoạn 2002-2006 với tổng số vốn 1.483.580 USD cho hai hợp phần là: đầu tư trồng mới, trồng phục hồi và thâm canh; nguồn vốn tín dụng cho vay.