Thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), ngày 26/6, lưu lượng về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tăng nhanh, cao hơn mực nước chết 7 - 20m. Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ so với hôm qua. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ.
Theo cơ quan quản lý, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Tại các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, lưu lượng, mực nước tăng. Một số hồ vừa, nhỏ, tràn tự do đã phải điều tiết nước lũ. Các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước, tuy nhiên phải hạn chế huy động phát điện để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.
Ở miền Bắc, mực nước ở hồ Lai Châu là 289,17m/265m (mực nước hồ/mực nước chết), hồ Sơn La 182,73m/175m, hồ Hòa Bình 102,13m/80m (quy định mực nước tối thiểu là 81,9m), hồ Thác Bà 47,16m/46m, hồ Tuyên Quang 102,09m/90m (quy định tối thiểu là 90,7m), hồ Bản Chát 444,54m/431m.
Trong khi đó, lượng nước về một số hồ khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ: Hồ Trung Sơn157,43m/150m (quy định tối thiểu: 150,7m), hồ Bản Vẽ 157,06m/155m (quy định tối thiểu 169,7m đến 174m), hồ Hủa Na 221,09m/215m (quy định tối thiểu: 219,5m), hồ Bình Điền 64,91m/53m (quy định tối thiểu 65,8m đến 67,9m), hồ Hương Điền 50,51m/46m (quy định tối thiểu 49,1m đến 50,4m).
Nhiệt độ những ngày cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 được dự báo sẽ không cực đoan như những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Do đó, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt có thể sẽ không tăng cao như thời gian qua, với phụ tải trung bình ngày miền Bắc khoảng 421,7 triệu kWh.
Hiện miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể bảo đảm cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421 - 425 triệu kWh/ngày.
Do mực nước hiện tại của các hồ thủy điện vẫn ở mức thấp, công suất khả dụng của tổ máy bị suy giảm, trong trường hợp cực đoan không có lũ về hoặc lưu lượng lũ về hồ thấp, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, khả năng tích nước cho mùa khô năm sau sẽ khó khăn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lưu ý, dù mực nước về các hồ thời gian qua đã tăng nhanh, miền Bắc không có công suất điện dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện. Do đó, việc tiết kiệm điện phải được đặt lên hàng đầu.
Để bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định và hiệu quả trong thời gian từ nay cho đến hết mùa khô năm 2023 và chuẩn bị cho năm 2024 trong bối cảnh nguồn dự phòng của miền Bắc vẫn trong tình trạng căng thẳng, kèm theo đó là ảnh hưởng của El Nino, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm điện.
EVN chỉ đạo các đơn vị có chế độ vận hành hợp lý các nguồn thủy điện, nhiệt điện miền Bắc. Theo đó, các nhà máy thủy điện phải bám sát diễn biến của thời tiết để có chế độ vận hành phù hợp bảo đảm sản lượng và công suất.
Các tổ máy nhiệt điện miền Bắc cần bảo đảm khả dụng tối đa, thu xếp đủ nhiên liệu than cho sản xuất điện; các nhà máy nhiệt điện phải thường xuyên theo dõi, bám sát vận hành thiết bị của nhà máy, tuyệt đối không để xảy ra sự cố chủ quan trong giai đoạn căng thẳng cung cấp điện hiện nay; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình nâng cao khả năng tải đường dây, tăng cường công tác ứng trực, kiểm tra, rà soát lưới điện truyền tải nhằm phát hiện nhanh và xử lý các bất thường thiết bị, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về tiết kiệm điện.
Cùng với đó, ngành điện tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác các loại hình nguồn điện đang xây dựng, đặc biệt là khu vực miền Bắc.
(Theo VTV)