Thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Tuy mức tăng này được cho là không lớn nhưng đã và đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh này, các DN đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh.
Công ty cổ phần An Tiến Industries có hai nhà máy là bột đá và phụ gia nhựa với lượng điện tiêu thụ khá lớn trung bình mỗi tháng khoảng 2 triệu KW điện nên việc tăng giá điện đã tạo thêm áp lực cho DN. Do vậy, Công ty đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Cụ thể như tắt các bóng đèn để sử dụng ánh sáng tự nhiên tại các khu vực không cần thiết; giảm công suất trong các giờ cao điểm và điều chỉnh các đơn hàng nhưng vẫn đảm bảo tiến độ sản xuất và giao hàng.
Ông Dương Huy Bình - Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần An Tiến Industries cho biết: "Tăng giá điện là DN phải tăng thêm chi phí sản xuất. Dự tính mỗi tháng, DN sẽ phải chi thêm một khoản tiền cho chi phí tiền điện tăng. Trong bối cảnh lạm phát ở một số quốc gia, nhu cầu tiêu thụ giảm như hiện nay thì DN buộc phải tiết giảm chi phí. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời, sau khi lắp đặt xong chi phí cho tiền điện giảm khoảng 10%”.
Đối với Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa, việc tăng giá điện 3% sẽ khiến mỗi năm Công ty phải chi thêm khoảng 240 triệu đồng tiền điện. Để giữ chân khách hàng, ổn định thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì tiết kiệm điện là một giải pháp quan trọng để đơn vị bình ổn giá thành sản phẩm khi giá điện tăng.
Theo đó, trong các giờ cao điểm, thay vì vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất công suất lớn, Công ty cho công nhân chuyển sang đóng gói sản phẩm và làm các công đoạn tốn ít điện năng; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và giảm việc sử dụng các thiết bị làm mát trong giờ nghỉ trưa bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các tổ sản xuất. Nhờ đó, đơn vị đã tiết kiệm được lượng lớn điện năng tiêu thụ.
Ông Jian He Min - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa cho biết: "Tiền điện chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm. Do vậy, việc tăng giá điện cũng đã tác động lớn tới sản xuất, kinh doanh của DN. Hiện nay, xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm nhưng giá thành sản xuất lại tăng. Vì vậy, để bình ổn giá sản phẩm, chúng tôi đang thực hiện khống chế phụ liệu đầu vào và điều chỉnh việc sử dụng năng lượng hợp lý hơn”.
Sau 4 năm bị kìm giữ, giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng. Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Theo EVN, mức tăng này được cho là khá thấp trong bối cảnh hiện nay nhưng để đánh giá tác động của tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào tới kinh doanh và giá thành sản xuất thì cần phải sau 1-2 tháng mới có thể đánh giá được mức tiêu hao năng lượng.
Cùng với đó, mức tiêu thụ năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng nóng kéo dài hay chỉ từng đợt. Nếu nắng nóng kéo dài thì mức tiêu thụ năng lượng càng tăng cao mà tính lũy tiến theo giá bậc thang thì mức chi trả tiền điện cũng nhiều lên. Do vậy, để giảm tải điện năng và bình ổn giá thành sản phẩm, các DN cần tiết kiệm điện, điều chỉnh thời gian sản xuất sang giờ thấp điểm, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng”.
Là công ty chuyên sản xuất bột đá tại Khu công nghiệp phía Nam, Công ty cổ phần Thái Hà với rất nhiều dây chuyền, máy móc trước đây thường phải chi trả gần 400 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Không chỉ tích cực phối hợp điều tiết phụ tải với Công ty Điện lực Yên Bái, Công ty cũng đã có những giải pháp riêng để tiết kiệm điện năng như: không sản xuất vào khung giờ cao điểm; thường xuyên bảo dưỡng máy móc, dây chuyền sản xuất trước khi vào ca, 80% động cơ điện được lắp thiết bị biến tần. Với những cách thức đã và đang triển khai, Công ty giảm được khoảng 20% lượng điện năng.
Ông Trần Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thái Hà chia sẻ: "Ngoài ra, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, Công ty thu được lợi ích kép bởi vừa giảm khoảng 20 - 30% sản lượng điện, tiết kiệm chi phí vừa được hỗ trợ xử lý các sự cố điện, tư vấn giải pháp chống tổn thất điện năng”.
Trước nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng các tháng 5, 6, 7/2023 lưới điện trên địa bàn tỉnh sẽ thiếu hụt công suất đỉnh tại các khung giờ huy động công suất phụ tải cao hàng ngày từ 11h30 - 16h00 và từ 20h00 - 23h00 từ 12% - 14% so với nhu cầu sử dụng điện. Điển hình, ngày 31/5, hệ thống lưới điện đã ghi nhận những con số cao kỷ lục từ đầu năm đến nay. Cụ thể là sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất đạt 4,5 triệu KWh, tăng 30% so với cùng kỳ, công suất cực đại đạt 219 MW, vượt 12% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh nguồn cung điện đang bị thiếu hụt như hiện nay, ngành công thương mong muốn các DN sử dụng điện lớn xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải. Đồng thời, hưởng ứng ký kết tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải do Công ty Điện lực Yên Bái triển khai; lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
80% động cơ điện của Công ty cổ phần Thái Hà được lắp thiết bị biến tần.
Ông Cao Bình Định - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho biết: "Để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, an toàn trong mùa nắng nóng và cả năm 2023, Công ty đã xây dựng phương án đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng với rất nhiều các giải pháp như: tập trung duy tu, bảo dưỡng, khắc phục toàn bộ khiếm khuyết trên các đường dây cũng như trạm biến áp, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành cũng như khai thác tối đa khả năng mang tải của hệ thống lưới điện.
Công ty cũng lập phương thức cấp điện tối ưu nhất để đảm bảo lưới điện vận hành ổn định, an toàn; huy động linh hoạt nguồn phát của thủy điện nhỏ vào các giờ sử dụng công suất cao điểm, chú trọng công tác vận động các khách hàng lớn tiếp tục thực hiện phương án điều chỉnh phụ tải”.
Tuy 6 tháng đầu năm, giá nguyên, nhiên liệu có sự điều chỉnh, trong đó có giá điện tăng nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, bám sát kịch bản tăng trưởng. 6 tháng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 10.669 tỷ đồng, ước tính theo giá so sánh 2010 đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 7,31% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước.
Việc tiết kiệm điện để bình ổn giá thành sản phẩm cũng góp phần giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh trước các tác động của thị trường. Điều đó thể hiện ở hoạt động xuất khẩu dần phục hồi trong quý II. Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2023 ước đạt 29,02 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước, tăng 1% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng ước đạt 151,7 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ.
Nhiều DN kiến nghị, với chính sách giá điện như hiện nay, cần có thêm cơ chế khuyến khích các DN đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giá cả trên thị trường nhằm bảo đảm bình ổn giá, công khai, minh bạch, tránh tính trạng "té nước theo mưa" ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Hồng Duyên