Yên Bái khởi sắc đầu tư trực tiếp nước ngoài

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/7/2023 | 7:49:18 AM

YênBái - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 52 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có 30 DN 100% vốn FDI và 22 DN có một phần vốn FDI, chiếm 1,7% tổng số DN toàn tỉnh với tổng vốn điều lệ khoảng 4.400 tỷ đồng.

Tài nguyên khoáng sản đá quý Lục Yên được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tài nguyên khoáng sản đá quý Lục Yên được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh những năm qua đã và đang tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và là khu vực kinh tế năng động tạo các hiệu ứng lan tỏa, tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển lực lượng sản xuất; xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động đầu tư; đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế theo xu thế toàn cầu hóa; tiếp cận và đưa ứng dụng khoa học công - nghệ, khoa học, kỹ thuật, khoa học quản lý tiên tiến vào phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống. 

Nền kinh tế từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; mặt hàng cũng như thị trường xuất khẩu được mở rộng; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng hàng năm.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 52 doanh nghiệp (DN) có vốn FDI của 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có 30 DN 100% vốn FDI và 22 DN có một phần vốn FDI, chiếm 1,7% tổng số DN toàn tỉnh với tổng vốn điều lệ khoảng 4.400 tỷ đồng. 

Hiện nay, có 37 dự án FDI được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 477,85 triệu USD. Trong đó, tổng vốn đầu tư thực hiện đến hết 31/3/2023 của các dự án FDI ước đạt 240,5 triệu USD bằng 50% so với tổng mức đầu tư đăng ký. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, có 14 dự án đầu tư và sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định, hiệu quả; điển hình như: Dự án khai thác đá hoa trắng của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam; Dự án đầu tư cụm rạp chiếu phim của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - Chi nhánh Yên Bái; Dự án xây dựng Nhà máy May xuất khẩu công suất 16 triệu sản phẩm một năm của Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF… 

Các dự án còn lại, có 3 dự án mới đi vào hoạt động cầm chừng hoặc doanh thu đạt thấp; 4 dự án tạm ngừng hoạt động; 2 dự án đang xem xét thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Còn lại, các dự án hiện đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuê đất, xây dựng nhà xưởng, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của dự án. 

Hoạt động của các DN FDI trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tổng doanh thu của các DN FDI lũy kế tính đến tháng 3/2023 ước đạt 656 triệu USD, thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước đạt khoảng 96 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 4.800 lao động địa phương.

Qua đánh giá của UBND tỉnh, với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khoáng sản, hoạt động FDI tại địa phương còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm. Đa số các dự án FDI trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, thực hiện đầu tư chậm tiến độ, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ người lao động địa phương làm việc tại các DN chưa đáp ứng được nhu cầu của DN; do đó, đóng góp của các DN FDI cho nền kinh tế của tỉnh vẫn còn rất hạn chế. 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định thu hút đầu tư; trong đó, có FDI là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, tập trung triển khai thực hiện với nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, góp phần quan trọng và tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. 

Cùng đó, thu hút đầu tư phải gắn với quan điểm và triết lý phát triển tỉnh Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Tỉnh cũng xác định thu hút đầu tư phải có chương trình kế hoạch cụ thể, chỉ tiêu rõ ràng và xác định trọng tâm trọng điểm, phấn đấu mở rộng quy mô nhưng phải coi trọng chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư. Đồng thời, quan tâm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn và giải quyết các điểm nghẽn về thu hút đầu tư.

Anh Dũng

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Chấn thăm mô hình cây mắc ca trồng xen cây chè ở thị trấn nông trường Liên Sơn.

Là khẳng định của đồng chí Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn trong trả lời phỏng vấn của Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái.

Theo đồ án quy hoạch, Thành phố Yên Bái được phát triển trên nền tảng lấy sông Hồng làm trung tâm.

Với mục tiêu nâng cấp hạ tầng, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, kết nối giao thông, phát triển giao thương, Dự án phát triển đô thị động lực trị giá 1.423 tỷ đồng được kỳ vọng góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Yên Bái.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình trồng Mắc ca xen chè tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn

Thực hiện Kế hoạch phát triển các mô hình sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy đặc sản chủ lực gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025, huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2025 có 12 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy đặc sản các loại. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 6 mô hình; lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản 3 mô hình; lĩnh vực lâm nghiệp 3 mô hình.

Sản phẩm vải Thanh Hà (Hải Dương) được cấp mã vạch, tem chỉ dẫn địa lý để khách hàng nhận biết.

Sản lượng vải quả vận chuyển đi quốc tế của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trong hai tháng 5, 6 và đầu tháng 7/2023 tăng trưởng tới 200% so với cùng kỳ năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục