Lang Thíp: Cần tăng cường đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lang Thíp là xã vùng cao của huyện Văn Yên gồm, nhiều dân tộc sinh sống, đường sá đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân ngày một nâng lên.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh địa phương.  Tỷ lệ hộ nghèo đói còn trên 60%, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch chậm, phương thức canh tác khá manh mún, lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhìn ở khu vực trung tâm xã thì không ai nghĩ rằng Lang Thíp là một xã nghèo! Trụ sở xã, trường học, trạm xá xây dựng khang trang, hàng chục ngôi nhà xây mái bằng, hiên tây ẩn hiện dưới những vườn nhãn đang trổ đầy hoa. Những lò kéo mật mía tấp nập người mua bán. Thỉnh thoảng lại có chiếc xe tải hạng nhẹ chở đầy mật đường về xuôi sớm cho người đến cái cảm giác về một vùng quê trù phú.

Nhưng đi vào trong các thôn bản, nhất là các bản của đồng bào dân tộc Mông, Dao... mới thấy cuộc sống người dân còn nhiều vất vả gian nan. Nhiều ngôi nhà lụp xụp nằm ép mình bên sườn đồi, tài sản giá trị nhất trong nhà là cái hòm đựng thóc đã rỗng, mấy bộ quần áo bạc mầu treo bên vách cùng mấy cái nồi các bát cũ.

 Do đặc thù là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, đó là một nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, nhưng nguyên nhân cơ bản chính là sự nhận thức, tư duy làm ăn manh mún, lạc hậu của người dân nhất bà con người dân tộc thiểu số.

Toàn xã có 1275 hộ với trên 6.200 nhân khẩu có 9 dân tộc sống ở 19 thôn bản. Bản xa nhất là Làng Khoan cách trung tâm xã hàng chục km, đến bản là con đường mòn chỉ có người đi bộ. Bản có hơn 20 hộ chủ yếu là đồng bào Dao, nhưng đời sống kinh tế bản này lại tương đối khá nhờ gieo cấy lúa nước và chăn nuôi đại gia súc. Làng Khoan đã được nhiều người ví như là "thủ phủ" của dê. Ở đây nhà nhà nuôi dê nhà ít cũng vài chục con, nhà nhiều hàng trăm con, còn trâu thì bình quân mỗi hộ có 10 đến 15 con.

Nhờ phát triển đại gia súc, cuộc sống người dân trong bản đã cơ bản xoá được nghèo, nhiều  hộ có thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Trong 19 thôn, bản thì có 9 thôn chủ yếu là đồng bào các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên lên xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1968 sinh sống, còn lại 10 thôn bản là nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với 9 thôn của người miền xuôi như: Tân Lập, Nghĩa Giang, Bo, Nghĩa Hưng...là có cuộc sống khá hơn. Vùng này xã tập trung phát triển lúa nước, trồng mía và đỗ tương. Người dân ở đây không chỉ trồng mía nguyên liệu mà chế biến mật đường, tạo việc làm nâng cao giá trị kinh tế. Nhãn thì gia đình nào cũng có từ vài cây đến vài chục cây và mỗi năm cũng thu trên dưới chục triệu đồng.

 Khó khăn hơn cả là vùng đồng bào các thôn, bản vùng cao như: Đăm 1, Đăm 1, Liên Sơn, Tiến Đạt, Bùn Dao, Hang Gấu....là những thôn của bà con dân tộc sinh sống. Do diện tích lúa nước ít cuộc sống người dân chủ yếu là từ rừng và làm nương rẫy. Đất đai thì rộng nhưng người dân chỉ chú ý đến làm nương, rẫy còn việc trồng và tu bổ rừng thì hầu như không có.

Cũng có nhiều hộ dân nhận đất trồng quế, sắn nhưng làm không đúng quy trình kỹ thuật, quảng canh dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Nếu chỉ nhìn vào mức thu nhập bình quân đầu người 4 triệu đồng, bình quân lương thực 330 kg/người thì Lang Thíp không phải là xã quá nghèo! Nhưng có một thực tế là sự chênh lệch  kinh tế giữa các thôn, bản vùng thấp với thôn, bản vùng cao. Sự chênh lệch đó cũng là lẽ bình thường mà ai cũng có thể nhận ra bởi cách làm ăn của người dân vùng thấp rất bài bản và những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào đồng ruộng, nhiều hộ đã sản xuất theo hướng hàng hoá, thị trường và đó là cách làm khác hẳn với đa số bà con người dân tộc thiểu số.

Để từng bước xoá đói giảm nghèo, thiết nghĩ, Lang Thíp cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây, con có năng suất cao vào sản xuất. Việc xã xác định và phân vùng kinh tế là phù hợp song để hiệu quả cần có sự chỉ đạo chặt chẽ hơn của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể. Việc phát triển kinh tế bằng phát nương làm rẫy không còn phù hợp và hiệu quả rất thấp lại làm ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên, môi trường. Đồi núi thì trơ trọc tại sao không vận động nhân dân nhận đất trồng rừng kinh tế? Chăn nuôi đại gia súc, cần tận dụng diện tích đất trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Đối với 114 ha lúa nước cần tăng cường đầu tư, thâm canh đưa giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Diện tích quế đã trồng cần rà soát xem giống cây nào chất lượng thì phát triển và ngược lại thì cần phá bỏ để trồng cây giá trị kinh tế cao. Đối với các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, xã cần tổ chức giúp đỡ họ về vốn, tư liệu sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Có như vậy thì mục tiêu mỗi năm giảm 10% hộ nghèo của Đảng bộ xã mới thành hiện thực...

Thanh Phúc 

Các tin khác
Đường bê tông vào bản Chiềng Pằn, xã Gia Hội (Văn Chấn).   (Ảnh: Pa Ri)

YBĐT - Bạch Hà - xã vùng sâu của huyện Yên Bình trước đây đi lại rất khó khăn. Những năm gần đây, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã tích cực huy động sức dân làm đường và ô tô về trung tâm xã và bây giờ thì ô tô đã về được tới thôn bằng những con đường bê tông.

YBĐT - Vụ đông xuân 2006 - 2007, huyện Trấn Yên gieo cấy được 814 ha lúa chất lượng cao, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra.

YBĐT - Lãnh đạo huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa có cuộc họp với 3 xã là Nà Hẩu, Mỏ Vàng và Đại Sơn bàn giải pháp tìm đầu ra cho cây thảo quả ở xã Nà Hẩu; việc phân định rõ ranh giới trên thực địa giữa hai xã Đại Sơn và Nà Hẩu; vấn đề giải phóng mặt bằng tại xã Mỏ Vàng...

Công nhân Lâm trường Púng luông kẻ biển báo hiệu cấp độ cảnh báo cháy rừng đông xuân 2007.

YBĐT - Xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) có gần 3.800 ha rừng. Trong đó có trên 1.547 ha rừng trồng, trên 1.300 ha rừng khoanh nuôi và 848 ha rừng tự nhiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục