EU là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và là thị trường cao cấp, khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường. Đối thủ của dệt may Việt Nam tại EU hiện lớn nhất là Trung Quốc với 47,3% thị phần, tiếp đến là Bangladesh 20,2% thị phần, Thổ Nhĩ Kỳ 19,5%... Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với thuế suất về dần 0% trong vòng 7 năm sau khi có hiệu lực là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh với đối thủ.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU - thông tin, EU đã đề ra chiến lược mới cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền sản phẩm và quyền sửa chữa. EU cũng đang xem xét giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc. Điều này buộc DN phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa. Tại EU, hàng dệt may hướng tới mục tiêu cuối cùng không phải chôn lấp mà là tái chế. Tháng 4/2023, Hội nghị Bộ trưởng của các nước EU đã thông qua quy định về Ecodesign (thiết kế sinh thái). Hiện, Hiệp hội Dệt may và doanh nghiệp dệt may của EU đang triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến Ecodesign.
Mặt khác, hàng may mặc nói riêng, ngành dệt may nói chung tại EU chịu tác động lớn của due diligent (thẩm định chuyên sâu), trong đó, có đánh giá về yếu tố môi trường, lao động, nhân quyền. "Khi EPR cũng như các quy định khác được áp dụng, điều đáng lo ngại là DN dệt may Việt Nam khó có thể xuất khẩu sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình. Nguyên do, EU yêu cầu các thương hiệu phải xây dựng được chuỗi cửa hàng thu mua, sửa chữa sản phẩm. Trong khi đó, DN Việt Nam hiện chủ yếu gia công cho các nhãn hàng của EU, DN EU chịu trách nhiệm với các hoạt động liên quan đến EPR” - ông Trần Ngọc Quân nói.
Doanh nghiệp lúng túng
Trước các động thái của EU với hàng dệt may, DN trong nước đang rất lo lắng, bởi lẽ, ngay các nhà nhập khẩu EU cho hay, chưa biết sẽ thực hiện các quy định này như thế nào. "Một nhà nhập khẩu của EU có rất nhiều nhà cung ứng, họ cũng không biết sẽ kiểm soát các nhà sản xuất ra sao” - ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP - cũng cho hay, hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong, chỉ 5 -10 năm tự phân hủy.
Trong khi DN dệt may trong nước đang "vật lộn” để có đơn hàng sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động, những quy định mới của EU ở thời điểm này đã chất thêm gánh nặng. Tuy nhiên, như lời ông Trần Ngọc Quân, hiện, những quy định của EU đang ở mức khuyến nghị nhưng DN Việt Nam cần nhanh chóng có động thái bắt nhịp. Nếu không, khi khuyến nghị thành bắt buộc sẽ rất phức tạp, nguy cơ khi đó không chỉ thiếu mà sẽ mất luôn đơn hàng.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng cho hay, Thương vụ đang có kế hoạch làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may EU để có hướng dẫn và kế hoạch hợp tác cụ thể giữa hai bên nhằm ứng phó với quy định mới. "Hiệp hội Dệt may EU đang dần chia sẻ thông tin, tuy nhiên, giai đoạn này họ đang tập trung phát triển nguyên liệu để các nhà cung ứng đáp ứng được quy định về Ecodesign” - ông Trần Ngọc Quân thông tin.
Đại diện cho cộng đồng DN dệt may trong nước, ông Trương Văn Cẩm bày tỏ, dệt may Việt Nam là ngành có độ mở lớn, 85% năng lực sản xuất dành cho xuất khẩu. Những biến động trên thị trường thế giới sẽ ngay lập tức dội vào ngành. Do đó, DN rất cần thông tin thị trường, chính sách thương mại, đối thủ cạnh tranh; đặc biệt là những chính sách mới tại thị trường lớn như EU… để ứng phó kịp thời. Ông Trương Văn Cẩm cũng đồng thời đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhập và cung cấp thông tin cho hiệp hội để phổ biến kịp thời cho DN.
(Theo Công thương)