Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Hồng Phong ở tổ 6, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đã đi vào hoạt động từ lâu. Khi tình hình cháy, nổ quán karaoke xảy ra tại một số địa phương trên cả nước, bà Nguyễn Thị Thịnh - chủ cơ sở đã thực hiện yêu cầu của lực lượng công an, dừng hoạt động kinh doanh để rà soát lại các thiết bị và phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo yêu cầu.
Sau kiểm tra, nhiều thiếu sót đã được chỉ ra như: các thiết bị PCCC chưa đầy đủ, chưa có cầu thang thoát hiểm… Tiếp thu ý kiến, gia đình bà Thịnh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để hoàn thiện 100% các hạng mục và mua sắm các trang thiết bị mà lực lượng công an yêu cầu.
Bà Thịnh cho biết: "Được các cán bộ công an hướng dẫn đầy đủ, chúng tôi vui vẻ chấp hành. Đầu tư cả trăm triệu đồng vào thời điểm dịch bệnh và kinh tế khó khăn là chuyện không dễ, tuy nhiên, an toàn là trên hết, tính mạng con người là vô giá”.
Cũng trên địa bàn thị trấn Mậu A, cơ sở kinh doanh karaoke New Century tại số 8, đường Thanh Niên đã hoàn thiện việc đầu tư xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị. Với 6 phòng hát, có lẽ đây là cơ sở dịch vụ karaoke sang trọng, hiện đại và quy mô lớn nhất huyện Văn Yên.
Không những vậy, đây còn là cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được lực lượng PCCC đánh giá là có trang thiết bị PCCC bài bản nhất, hiện đại nhất. Đơn cử như: sử dụng toàn bộ vật liệu chống cháy, thiết bị chiếu sáng sự cố, đèn EXIT, hệ thống báo cháy tự động, tủ trung tâm, các đầu báo cháy… đặc biệt, là hệ thống cấp nước, cấp điện cứu hỏa riêng biệt và hai trụ nước cứu hỏa trước sân (là cơ sở dịch vụ duy nhất trên địa bàn Yên Bái có họng nước cứu hỏa riêng).
Thiếu tá Hoàng Vũ Trung - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Văn Yên cho biết: "Trên địa bàn huyện Văn Yên có trên 30 quán karaoke. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Công an và Công an tỉnh, Công an huyện Văn Yên đã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, qua đó chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn… Đến nay, 100% cơ sở đều đã thực hiện nghiêm quy định, một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đã xin tạm dừng hoạt động. Hiện nay, toàn huyện có 27 cơ sở hoạt động bình thường, điều kiện về an toàn cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ đều đáp ứng các yêu cầu quy định”.
PCCC là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung và cơ sở dịch vụ karaoke nói riêng; quán karaoke thường sử dụng những vật liệu cách âm, trang trí… dễ bắt lửa, khi cháy sinh ra khí rất nguy hại cho sức khỏe. Nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra và để lại hậu quả rất nặng nề về người và tài sản.
Đứng trước tình hình này, Bộ Công an đã có Văn bản số 02 yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke và vũ trường trên địa bàn cả nước; UBND tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành Văn bản số 154 về việc tăng cường quản lý nhà nước, phòng chống cháy nổ đối với dịch vụ nhà hàng, karaoke. Tiếp đó, Bộ Công an có công điện về việc phân loại, rà soát thực trạng tồn tại vi phạm về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn cả nước…
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) triển khai đợt tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và karaoke trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, lực lượng công an đã lập biên bản, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 48 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hàng chục cơ sở khắc phục những thiếu sót, khi đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn mới hoạt động kinh doanh trở lại. Kể từ tháng 7/2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 105 quán có đơn xin tạm dừng hoạt động do chưa đáp ứng được yêu cầu về PCCC.
Cùng với các cán bộ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tới các cơ sở dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Lục Yên, chúng tôi nhận thấy, 100% cơ sở đều đã lắp đặt thang thoát hiểm, đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị như mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy, thiết bị báo cháy…
Ông Nguyễn Tiến Quân, quản lý một cơ sở dịch vụ karaoke tại phường Hồng Hà cho biết: "Sau thời gian dừng hoạt động vì Covid-19, dịch vụ karaoke giai đoạn này tiếp tục khó khăn do đời sống, việc làm, thu nhập giảm. Đầu tư một khoản tiền lớn phục vụ công tác PCCC đáp ứng yêu cầu quy định là rất khó khăn. Tuy nhiên, vì sự an toàn nên chúng tôi đã tự giác chấp hành”.
Đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho thấy, đại bộ phận quán karaoke trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nhà từ 3 tầng trở xuống. Nhiều quán ở khu vực nông thôn là nhà một tầng; khuôn viên xây dựng quán khá rộng, thoáng… nên không khó khăn trong việc bố trí cửa thoát hiểm. Đặc biệt, nhiều cơ sở có nhà 3, 4 tầng nhưng chỉ bố trí phòng hát ở tầng 1 và tầng 2 nên cũng nâng cao hơn độ an toàn PCCC&CNCH.
Dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, an toàn về PCCC là quy định bắt buộc và rất quan trọng. Là địa phương không có quá nhiều loại hình dịch vụ này nhưng việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự nói chung và PCCC nói riêng giúp Yên Bái hạn chế thấp nhất các nguy cơ cháy nổ nói chung và từ loại hình kinh doanh dịch vụ này nói riêng.
Lê Đình