Yên Bình đẩy nhanh kiên cố hóa đường giao thông nông thôn

Để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Yên Bình đã đẩy nhanh việc kiên cố hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) ở khắp các địa phương trên địa bàn. 9 tháng năm 2023, toàn huyện đã kiên cố trên 124 km đường GTNT, bằng trên 155% kế hoạch giao năm 2023.
Có mặt tại thôn Tân Tiến, xã Cảm Ân những ngày đầu tháng 10, chúng tôi cảm nhận rõ không khí vui tươi, phấn khởi bà con nhân dân trong thôn khi tham gia mở rộng 1 km đường từ 3 m lên 5 m. Con đường dự kiến sẽ hoàn thành giữa tháng 10, với tổng kinh phí khoảng 770 triệu đồng. Trong đó: Nhà nước hỗ trợ 205 triệu đồng, người dân đóng góp gần 550 triệu đồng và hiến trên 1.000 m2 đất. Ông Hoàng Văn Sỹ, thôn Tân Tiến phấn khởi: "Gia đình tôi hiến trên 300 m2 đất, nhiều nhất thôn. Trong gia đình ai cũng vui vẻ vì con đường hoàn thành thì việc đi lại của chúng tôi sẽ thuận tiện hơn rất nhiều”. 
Không chỉ Cảm Ân mà ngay trong ngày 1/10, đã có 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện ra quân làm đường GTNT đợt 3. Đợt này, toàn huyện thực hiện làm 18 tuyến đường. Trong đó: đổ bê tông mặt đường 8 tuyến với tổng chiều dài 4,6 km, mở rộng mặt đường 10 tuyến từ 3 m lên 5 m với tổng chiều dài 6,3 km với tổng mức đầu tư 7,9 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách của tỉnh 2,2 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,05 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp 4,65 tỷ đồng.
Tuyến đường vào khu sản xuất từ thôn Nà Ta đi Tiền Phong, xã Xuân Long là tuyến dài nhất trên địa bàn huyện được mở đợt này. Tuyến đường được mở mới và bê tông hóa, đây là cả sự nỗ lực của chính quyền và người dân 2 thôn Nà Ta và Tiền Phong. 
Ông Thang Quang Mơ, Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết: "Xã đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo 2 thôn họp, bàn kế hoạch và cách làm, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động để người hiểu, đồng thuận làm đường. Vì vậy, người dân 2 thôn đã hiến trên 30.000 m2 đất cây cối, hoa màu để làm đường. Công ty TNHH Tân Thành An đóng trên địa bàn xã hỗ trợ thi công cùng người dân. Hiện, con đường đã cơ bản hoàn thiện phần mặt bằng, trung tuần tháng 10 sẽ đổ bê tông, dự kiến tháng 11 sẽ xong”.
Phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng trong xây dựng NTM, nên ngay từ đầu năm, huyện Yên Bình đã chủ động yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo hiện trạng các tuyến đường, đề xuất danh mục, nhu cầu, kinh phí thực hiện các công trình đường GTNT. 
Qua đó, các địa phương lựa chọn các tuyến đường theo đúng nhu cầu thực tế của địa phương mình, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và tận dụng tối đa các nguồn lực để thực hiện. Huyện Yên Bình tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Cùng đó, tuyên truyền, vận động người dân chung tay đóng góp công sức, tiền của  hiến đất để hoàn thiện các tuyến đường GTNT. 
Đến hết tháng 9/2023, toàn huyện Yên Bình đã kiên cố hóa 124,33 km đường GTNT, bằng 155,4% kế hoạch giao năm 2023, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 184 công trình kiên cố hóa mặt đường, 9 công trình mở mới đường đất, với tổng số tiền gần 82 tỷ đồng.
Theo đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình, để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã có kế hoạch cụ thể, triển khai đến các xã, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban trực tiếp làm việc với các xã, thị trấn, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào làm đường GTNT trong "Ngày thứ Bảy cùng dân”; làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, quần chúng nhân dân điển hình tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong phong trào phát triển GTNT như: hiến đất làm đường, đóng góp, hỗ trợ kinh phí, nhân công, vật liệu, máy móc, công cụ…
Những con đường GTNT trên địa bàn huyện Yên Bình hoàn thành đã góp phần quan trọng phục vụ dân sinh, khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đưa Yên Bình trở thành huyện NTM trong năm 2023.
Minh Huyền 

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mùa ngô ở Khao Mang

Mùa ngô ở Khao Mang

Mùa thu hoạch ngô nếp mini trên địa bàn xã Khao Mang, tỉnh Lào Cai đã vào vụ thu hoạch mới. Giống ngô này một năm chỉ có một lần, kéo dài hơn 1 tháng, bắp nhỏ bằng 1/3 bắp thường nhưng nhiều người ưa thích.

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Người dân chủ động chăm sóc đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát sinh, gây bệnh cho vật nuôi. Trước những nguy cơ đó, người dân xã Bảo Thắng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập).

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ bắt buộc pha 10% ethanol, chính thức chuyển sang sử dụng xăng E10. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

fb yt zl tw