Cơ hội mới và giá trị mới
Với tư duy mới, tầm nhìn mới, sau 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện,
Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ- TTg ngày 18/9/2023. Đây là cơ hội mới và giá trị mới cho tỉnh trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong đó, tỉnh định hướng phát triển dựa trên khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của địa phương để xây dựng, phát triển Yên Bái nhanh và bền vững.
Quy hoạch lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021-2030 đạt bình quân 8,5%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 125 triệu đồng.
Để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia và điều kiện thực tiễn của tỉnh, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển, bảo đảm kết nối vùng, liên vùng; ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt, đường thủy.... vốn là lợi thế từ hạ tầng sẵn có của Yên Bái.
Với chiến lược phát triển toàn diện, trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội và mở đường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo bệ phóng đưa Yên Bái "cất cánh” trên hành trình hội nhập.
Yên Bái - điểm đến thu hút đầu tư
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đề cao tính thân thiện với môi trường từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) đã tổ chức động thổ dự án
Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái với tổng vốn đầu tư gần 475 tỷ đồng, tương đương 20,4 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên được triển khai trong số 14 dự án của Công ty cổ phần Erex tại Việt Nam.
Lễ động thổ dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái
Ông Honna Hitoshi - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản) chia sẻ: "Sau chuyến công tác và làm việc của ông Chủ tịch tỉnh Yên Bái tại đất nước Nhật Bản, chúng tôi đã tìm hiểu và quyết định đầu tư nhà máy nhiên liệu sinh khối tại đây bởi tỉnh Yên Bái rất giàu tiềm năng trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các vị lãnh đạo tỉnh Yên Bái rất năng động, tận tâm, nhiệt tình giúp đỡ phía đối tác chúng tôi về mọi mặt nên việc triển khai dự án rất thuận lợi về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi được biết tỉnh cũng đã có quy hoạch các khu, cụm công nghiệp chi tiết, căn cơ, bài bản, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu xúc tiến đầu tư vào tỉnh Yên Bái”.
Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, thuộc Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Minh Đức, đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay, đã trở thành điểm đến yêu thích và là khu nghỉ dưỡng cao cấp, mang lại trải nghiệm du lịch độc đáo đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Công ty cũng đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế du lịch và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Từ góc độ làm du lịch, để thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, thương mại, ông Đào Đức Long – đại diện Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Minh Đức kiến nghị tỉnh trong thời gian tới quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển du lịch, đặc biệt là các vị trí đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ và các vị trí khối ẩm thực. Tỉnh cũng cần có quy hoạch và phát triển hệ thống đường giao thông tới các khu du lịch để rút ngắn hành trình của du khách tới các điểm du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sớm hoàn thành
dự án đường nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai để kết nối du lịch với Sapa tạo thêm cơ hội trải nghiệm, thu hút du khách theo tuyến du lịch kết nối Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, phát triển các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí hấp dẫn để thu hút khách đến Yên Bái.
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tỉnh Yên Bái xác định tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu mở rộng quy mô, coi trọng chất lượng và hiệu quả thu hút...
Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, có tính định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực những nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn.
Cụ thể giải pháp thu hút nhà đầu tư trong và nước ngoài đến Yên Bái, ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết: "Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả một số chính sách, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thu hút đầu tư, hỗ trợ các thành phần kinh tế, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, ban hành Đề án thu thút đầu tư và cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Với quan điểm đồng hành, hỗ trợ tích cực những nhà đầu tư đã và đang đầu tư vào địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình "Ngày thứ 7 cùng dân và doanh nghiệp", chương trình "Cà phê doanh nhân", thường xuyên đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Những định hướng từ Quy hoạch tỉnh
Yên Bái là địa bàn trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng và khu vực; nằm trên trung điểm của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là đầu mối trung chuyển hàng hóa từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên cửa khẩu Lào Cai.
Du lịch là 1 trong 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái. Ảnh: Trải nghiệm lái thuyền jetski, xuồng hơi, xe máy nước trên hồ Thác Bà. (Ảnh: Hoài Văn)
Dựa trên lợi thế hiện hữu và tiềm năng tương lai, Quy hoạch tỉnh Yên Bái xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, đó là: công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, để tạo đột phá thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, tỉnh Yên Bái quy hoạch phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp hữu ngạn sông Hồng, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: khai thác và chế biến sâu khoáng sản; phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng cao cấp; chế biến thực phẩm, gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông lâm sản chất lượng cao; sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ, đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản của vùng.
Bên cạnh đó, dựa trên chất liệu từ các giá trị tài nguyên trong tỉnh, Yên Bái sẽ hình thành 4 vùng không gian trọng điểm du lịch, gồm: Vùng du lịch hồ Thác Bà và sông chảy; Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; Vùng du lịch miền Tây của tỉnh và Vùng du lịch Bắc Trấn Yên, Văn Yên, đưa di sản, danh lam thắng cảnh trở thành điểm đến; xây dựng hệ sinh thái du lịch dựa vào văn hóa và dân tộc; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng.
Đối với ngành thương mại - dịch vụ là nâng cao dịch vụ hậu cần kho bãi, xây dựng trung tâm logistics thành phố Yên Bái và 8 trung tâm tiếp vận, kho nông sản, bãi tập kết trung chuyển hàng hóa cấp huyện. Xây dựng trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thúc đẩy thương mại điện tử ứng dụng công nghệ, tham gia thị trường thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, Yên Bái tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng trồng và chăn nuôi chuyên canh tập trung ứng dụng công nghệ cao: trồng nhãn, chuối công nghệ cao ở Văn Chấn, Văn Yên; vùng trồng quế công nghệ cao ở Văn Yên, Yên Bình; vùng chăn nuôi tập trung…; hình thành các vùng lâm nghiệp sạch, tập trung và ứng dụng công nghệ cao; quan tâm phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối liên vùng và nội vùng bằng giao thông đa phương thức; phát triển hạ tầng xã hội quan tâm công tác giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực…
Khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế trên cơ sở định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách căn cơ, bài bản, tạo đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tạo cơ hội và mở đường thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến địa bàn để Yên Bái để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, thuộc vào nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030”.
Đức Toàn