Cuối tháng 9, gia đình ông Bùi Anh Tuấn ở thôn Làng Ngần, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình xuất bán gần 1,5 tấn lợn hơi với giá 52.000 đồng/kg. Hiện tại, trong chuồng còn trên 50 con lợn thịt từ 30 - 60 kg/con được xuất bán vào dịp cuối năm.
Ông Tuấn cho biết: "Gia đình mới chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn được 2 năm nay nhưng giá cả bấp bênh quá. Cách đây 2 - 3 tháng, giá lợn hơi trên 60.000 đồng/kg thì mình không có lợn để bán. Đến lúc bán thì giá thấp nhưng cũng may không bị lỗ vì mình chủ động được nguồn con giống nên cũng hạn chế được chi phí đầu vào. Số lợn hiện tại, hy vọng cuối năm sẽ xuất bán được giá cao hơn”.
Gia đình bà Lý Thị Sam Sung ở thôn Ngòi Tu hiện tại có 20 con lợn thịt đến kỳ xuất bán nhưng bà đang nghe ngóng đợi giá tăng hơn chút. "Những năm trước, dù giá lợn không cao nhưng ổn định nên việc tái đàn cũng ít rủi ro hơn và gia đình thường xuyên duy trì nuôi từ 70 - 100 con. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, do chi phí thức ăn tăng cao, giá lợn xuất chuồng lại bấp bênh nên gia đình chỉ dám để lại 1 - 2 đàn lợn giống để đầu tư nuôi thành lợi thịt, còn lại bán lợn giống. Đặc biệt, dù đang là thời điểm tái đàn chuẩn bị phục vụ thị trường tết Nguyên đán nhưng tôi cũng không dám mạo hiểm” - bà Sung chia sẻ.
Cũng chung tâm trạng thấp thỏm, dè chừng chưa dám tái đàn, ông Trần Giáp Trí ở thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình cho biết, dù đã chuẩn bị cơ sở vật chất để thêm đàn nhưng gần đây giá lợn hơi liên tục giảm khiến gia đình chưa dám vào đàn.
"Khi giá lợn hơi tăng lên trên 60.000 đồng/kg, giá thức ăn chăn nuôi cũng giảm hơn, gia đình tôi đã dự định tăng đàn với mong muốn dịp tết Nguyên đán sẽ xuất bán được giá cao hơn để gỡ lại vốn. Nhưng với tình hình giá cả như hiện tại, hơn nữa đang là thời điểm giao mùa, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, nên tôi chỉ nuôi trên 40 con còn lại và ra tết lại tính tiếp” - anh Trí chia sẻ.
Không chỉ ông Tuấn, ông Trí, bà Sung mà thời điểm hiện tại người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang nuôi cầm chừng. Từ trung tuần tháng 9/2023 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, bình quân hiện nay chỉ khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Với mức giá này, nếu người chăn nuôi chủ động được nguồn con giống, thức ăn thì có thể hoà vốn còn không sẽ lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng/con. Trong bối cảnh giá lợn hơi vẫn đang "nhảy múa”, giá thức ăn dù đã giảm, nhưng còn ở mức cao, các loại dịch bệnh trên đàn lợn vẫn diễn biến phức tạp... do đó nhiều hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không dám tái đàn hoặc vừa làm vừa nghe ngóng thị trường.
Trước thực tế này, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu có xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2024? Về việc này, ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định: Tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn đang khá ổn định.
Hiện tại, Yên Bái là một trong những địa phương có số đầu đàn lợn cao trong cả nước, các trang trại chăn nuôi lớn của tỉnh chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất sang thị trường các tỉnh bạn. Cùng đó, những năm qua, thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhất là Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh nên số lượng trang trại và số đầu đàn lợn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh.
Qua 10 tháng năm 2023, tổng đàn lợn của tỉnh đạt trên 671.520 con; sản lượng hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt trên 54.000 tấn, đạt 103,9% kế hoạch năm. Do đó, Yên Bái đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn phục vụ thị trường cuối năm và trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tuy nhiên, thời điểm này, thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ kèm các đợt không khí lạnh nên đàn vật nuôi dễ bị các loại vi rút tấn công, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục… Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc tiêm vắc - xin phòng bệnh định kỳ cần tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại…
Khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật liên tục thông tin tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như: nhập con giống rõ nguồn gốc, không nên tăng đàn ồ ạt. Người chăn nuôi cần tính toán các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu các khâu trung gian phát sinh chi phí lưu thông để chăn nuôi có hiệu quả.
Hồng Duyên