Những ngày này, nông dân xã Nghĩa Lộ đang tập trung thu hoạch cam. Họ vui vì lại thêm một vụ cam bội thu. Với diện tích 1,8 ha, hơn 700 gốc cam gồm 20 giống cam các loại như: BH, V2, CT36..., mỗi năm gia đình ông Đoàn Thế Yêm - thôn 9, thu về hàng chục tấn quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.
"Trước đây, mình cũng trồng thử nghiệm nhiều loại cây, nhưng đến nay thấy cây cam rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Cam ở vùng đất này ngày càng được thị trường ưa chuộng, gia đình mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích chè bị cằn cỗi, thoái hóa cho thu nhập thấp sang trồng cam. Cứ như vậy, đến nay gia đình có gần 2 ha cam. Nhờ cây cam mà cuộc sống của gia đình đã trở nên khá giả hơn”, ông Đoàn Thế Yêm cho biết.
Nhận thấy khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm nên hơn 3 ha cam ông Phạm Minh Luyến cùng thôn 9 đã chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Nhờ chăm sóc tốt, sai quả, giá thu mua ổn định nên mỗi năm gia đình ông Luyến thu về trên 20 tấn quả, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
"Thật tuyệt vời khi cây ăn quả đã giúp cho gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong thôn, xã xóa được nghèo đói, vươn lên làm giàu”, ông Luyến chia sẻ.
Nếu như ở thôn 9, người dân tập trung trồng cam thì người dân ở thôn 8 lại chú trọng trồng bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ. Ông Trần Bá Đức ở thôn 8 cho biết: "Cùng với cây cam, gia đình và đã trồng 0,7 ha cây thanh long ruột đỏ. Đây là giống cây mới, dễ trồng, cho năng suất cao. Với giá dao động từ 25- 30 ngàn đồng/kg, hàng năm , thanh long ruột đỏ đã mang về một khoản thu nhập lớn cho gia đình”.
Xã Nghĩa Lộ được biết đến là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất thị xã. Những năm qua, người dân nơi đây đã từng bước thay đổi phương thức canh tác, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, theo hướng hữu cơ.
Bà Vũ Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ cho biết: "Toàn xã hiện có 245 ha cây ăn quả, trong đó 240 ha đã cho thu hoạch. Trong đó cây cam gần 10 ha, bưởi gần 33 ha, thanh long ruột đỏ 17,5 ha, nhãn trên 54 ha, mận 33,5 ha, táo gần 9 ha và nhiều các loại cây ăn quả khác. Sản lượng năm 2023 từ cây ăn quả ước đạt 623 tấn. 400 hộ dân trồng cây ăn quả mỗi năm thu về trên 12 tỷ đồng”.
Cùng với cây ăn quả, những năm qua, xã Nghĩa Lộ còn tập trung tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn trồng cây đào cảnh và trồng chè. Hiện toàn xã có gần 60 ha trồng đào cảnh, chủ yếu là đào bích và đào phai, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, toàn xã có trên 416 ha chè, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 8.150 tấn, cây chè hàng năm cho thu trên 30 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Thanh cho biết: Để đạt được những kết quả trên, những năm qua, xã tập trung chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế; chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi giá trị theo hướng toàn diện, bền vững, có chất lượng, an toàn và hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung.
Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả, ngoài khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ..., xã đã hướng tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thông tin điện tử của xã, thôn và các trang Facebook cá nhân của các hộ dân. Năm 2023, xã Nghĩa Lộ đã được công nhận 2 sản phẩm OCOP 3 sao là "Bưởi Nghĩa Lộ” và "Thanh long ruột đỏ Nghĩa Lộ” và thành lập 5 tổ hợp tác trồng cây ăn quả.
Phát huy thế mạnh địa phương đa dạng hóa tập đoàn cây trồng phù hợp để tăng hiệu quả kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Nghĩa Lộ đạt 52,46 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,49%… Đó là tiền đề quan trọng để xã Nghĩa Lộ thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm 2020 - 2025 đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để lên phường vào đầu năm 2025.
Văn Tuấn