Trạm Tấu: Tiếp sức cho vùng khó vượt khó

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/1/2024 | 8:14:58 AM

YênBái - Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu. Đến đâu cũng thấy không khí thi đua lao động sản xuất của cán bộ, đảng viên, nhân dân và công nhân trên các công trường đầy sôi nổi, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 đã đề ra, đưa địa phương phát triển, đạt những thành tựu mới.

Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra sản xuất vụ xuân năm 2023 tại xã Xà Hồ.
Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra sản xuất vụ xuân năm 2023 tại xã Xà Hồ.

Từ thị xã Nghĩa Lộ, ngược theo tỉnh lộ 174 đi khoảng hơn 10 km chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS (PTDTBT TH&THCS) Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu - ngôi trường đang được Nhà nước đầu tư hơn 34 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn khác để xây dựng nhà lớp học, nhà ở nội trú cho học sinh có điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập tốt hơn. Trên công trường xây dựng công trình, các công nhân Công ty cổ phần Xây dựng số 2 của tỉnh đang tích cực thi đua lao động để hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết. 

Anh Nguyễn Trọng Đại - Chỉ huy trưởng công trường xây dựng công trình cho biết: "Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 8/5/2023, thời gian thực hiện gói thầu 18 tháng. Quy mô, nhà cấp III, 4 tầng, diện tích xây dựng 581m2, tổng diện tích sàn 2.302m2 với với 8 phòng học bậc THCS, 9 phòng học bộ môn; xây dựng mới nhà ở nội trú cấp III, 3 tầng gồm 12 phòng, diện tích xây dựng 360m2, tổng diện tích sàn 1.080m2; cải tạo nhà lớp học 2 tầng, 4 phòng học khối tiểu học và các hạng mục phụ trợ như: kè mái ta-luy giữ đất, cổng trường, sân... Tổng mức đầu tư công trình là 34 tỷ 100 triệu đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Sau 7 tháng thi công, đến hết tháng 12, Công ty đã thi công đạt 60% khối lượng công việc. Mặc dù thời tiết đang giá rét khắc nghiệt, song Công ty đã bố trí thêm nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trước 3 tháng, bàn giao đưa vào sử dụng trong đầu năm học mới 2024 - 2025...”. 

Sự quyết tâm của cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng số 2 như tiếp thêm sức mạnh để thầy và trò Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập trong năm học này. Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: "Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu hiện có 574 học sinh từ lớp 1 - lớp 9, trong đó có 535 học sinh ở tại trường, cuối tuần bố, mẹ các em mới xuống đón về. Từ hè các nhà ở gắn liền với công trình phụ sinh hoạt của học sinh đã được phá dỡ để xây dựng nhà ở mới nên học sinh vừa học vừa ở luôn tại lớp học. Nhà trường đã cùng các em khắc phục khó khăn về chỗ ăn, ở, sinh hoạt; động viên, hướng dẫn các em giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe học tập tốt...”.


Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng số 2 đẩy nhanh tiến độ thi công Công trình Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.  

Chia tay cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng số 2 và thầy trò Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu, chúng tôi tiếp tục theo tỉnh lộ 174 lên xã Xà Hồ - địa phương được huyện Trạm Tấu chọn thực hiện Dự án liên kết phát triển giống lúa Nhật Japonica (ĐS1) theo chuỗi giá trị trong vụ xuân năm 2024. 

Anh Giàng A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ phấn khởi cho biết: "Nhân dân thôn Sáng Pao nói riêng và nhân dân xã Xà Hồ nói chung rất vui khi được huyện chọn để triển khai thực hiện Dự án liên kết phát triển giống lúa Nhật Japonica (ĐS1) theo chuỗi giá trị tại thôn Sáng Pao thuộc tiểu dự án 2, dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị - CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Quy mô sản xuất là 25 ha với 83 hộ đều là người dân tộc thiểu số và 100% là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Các hộ tham gia Dự án được tập huấn kỹ thuật trồng và thâm canh giống thuần chất lượng cao ĐS1 theo quy trình của nhà sản xuất. Tập huấn về quản lý chuỗi và phát triển thị trường; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; xây dựng nhãn hiệu; quảng bá sản phẩm lúa, gạo tại thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái...”. 

Sau khi huyện triển khai Dự án, người dân thôn Sáng Pao rất phấn khởi, hy vọng cuộc sống của mình sẽ được cải thiện hơn nhờ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Anh Giàng A Bua - một hộ dân ở thôn Sáng Pao được tham gia Dự án đang cùng vợ làm sạch cỏ bờ ruộng diện tích 3.000 m2, lấy nước về cày, bừa, gieo mạ bằng giống lúa Nhật Japonica (ĐS1) để sản xuất vụ xuân không giấu nổi niềm vui chia sẻ: "Gia đình mình là hộ nghèo của xã, khi họp thôn mình được xét đưa vào tham gia Dự án liên kết phát triển giống lúa Nhật Japonica (ĐS1) theo chuỗi giá trị tại thôn Sáng Pao, mình mừng lắm. Sau khi họp thôn về mình bàn với vợ đăng ký tham gia tập huấn đầy đủ các lớp học chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp với các ngành của huyện tổ chức để áp dụng vào sản xuất trong vụ xuân 2024. Gia đình mong muốn, giống lúa mới này sẽ cho năng suất cao hơn, bán được giá cao hơn để có thêm thu nhập, sớm thoát khỏi diện hộ nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học tốt hơn...”.

Dự án liên kết phát triển giống lúa Nhật Japonica (ĐS1) theo chuỗi giá trị tại thôn Sáng Pao do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đức Giang - thị trấn Trạm Tấu làm chủ dự án liên kết. Mục tiêu chung của Dự án là khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp; hình thành chuỗi cung ứng vùng sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1 an toàn có thương hiệu và đầu ra ổn định, bền vững, tạo niềm tin cho người nông dân vùng cao và đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thực tế cho thấy, giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1 đã được trồng trên diện tích gần 100 ha mỗi năm ở tất các xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu. Riêng xã Xà Hồ hiện đang duy trì sản xuất từ 20 - 25 ha mỗi năm, năng suất đạt trên 45 tạ/ha; chất lượng gạo ngon, dẻo, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. 

Việc huyện Trạm Tấu triển khai Dự án liên kết phát triển giống lúa Nhật Japonica (ĐS1) theo chuỗi giá trị tại thôn Sáng Pao thuộc tiểu dự án 2, dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị - CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tại xã Xà Hồ để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào Mông thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là động lực để người dân xã Xà Hồ nói riêng và người dân trong huyện nói chung tích cực lao động sản xuất, phát kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Đồng chí Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Để thực hiện hiệu quả các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp mở mới các tuyến đường giao thông trọng điểm như: đường nối quốc lộ 32C (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu); đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La); tiến hành khảo sát đường Xà Hồ (Trạm Tấu, Yên Bái) đi xã Ngọc Chiến (Mường La, tỉnh Sơn La), đường xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) đi xã Chiềng Ơn, Chiềng Công (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). 

Về phát triển kinh tế nông nghiệp, đầu tư hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, xóa bỏ tư tưởng kinh tế nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp như trước đây. Về dịch vụ du lịch, đầu tư quy hoạch các dự án phát triển du lịch và thu hút các nhà đầu tư có tiền năng đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện gắn với giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc... Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện của 3 CTMTQG trên địa bàn huyện từ năm 2021 - 2023 là 223,082 tỷ đồng, dự kiến tiến độ giải ngân đến hết năm 2023, đạt 205 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch vốn”.

Hy vọng, với quyết tâm của huyện Trạm Tấu trong triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 -2025, cùng sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của nhân dân trong huyện, nguồn vốn các CTMTQG sẽ tiếp sức cho huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này giảm nghèo nhanh và bền vững.

Minh Hằng

Các tin khác
Nhiều địa phương tại Yên Bái xác định đào tạo nghề hết sức quan trọng để các hộ nghèo, cận nghèo có được

Nhiều địa phương tại Yên Bái xác định đào tạo nghề hết sức quan trọng để các hộ nghèo, cận nghèo có được "cần câu" phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mô hình đào tạo nghề thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đang cho thấy rõ vai trò trong quá trình giảm nghèo ở địa phương này.

Cầu Mỹ Thuận 2 song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu  (Ảnh: TP)

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, bộ đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành Quốc gia (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không).

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Được đánh giá khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn có cơ hội phục hồi nếu những chính sách đã ban hành thực thi hiệu quả.

Xã Âu Lâu đẩy mạnh việc phát triển vùng rau an toàn chất lượng cao, hướng đến một nền nông nghiệp xanh mang tính bền vững

Xác định sản xuất rau là sinh kế của người dân và là thực phẩm thiết yếu của người tiêu dùng, thời gian qua, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển vùng rau an toàn đạt chất lượng cao, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh mang tính bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục