Hộ bà Phùng Thị Nội, thôn Tiên Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đăng ký xin chuyển đổi 175 m2 đất trồng lúa sang trồng ngô. Bà Nội cho biết: "Do diện tích đất trồng lúa của gia đình kém hiệu quả nên tôi xin chuyển đổi sang trồng ngô. Cây ngô ở địa phương chúng tôi thì với công chăm sóc của gia đình kiểu gì cũng cho thu nhập cao hơn ít nhất hai lần trồng lúa ”.
Năm 2023, UBND xã Văn Phú đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, công khai thủ tục hành chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đồng thời hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký khi thực hiện chuyển đổi, các chính sách, quy hoạch liên quan đến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới các hộ dân để biết, thực hiện đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước, địa phương và phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan.
Đồng chí Lê Sỹ Dần - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: "Xã đã vận động và hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi diện tích lúa nước không đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất, năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất và lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch, yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất”.
Năm 2023, Văn Phú thực hiện chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hàng năm là 350 m2, sang trồng cây lâu năm là 6.556 m2, sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 628 m2. Nhìn rộng ra toàn tỉnh, năm 2023, công tác xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã được các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn thực hiện đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành.
UBND các xã, phường, thị trấn đã rà soát, lập kế hoạch tổng hợp nhu cầu đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp hàng năm; tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn.
Để quản lý và tổ chức thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn, địa phương đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm theo đúng quy định, trình tự.
Qua công tác kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện theo quy định, đặc biệt là việc tiếp nhận đơn đăng ký, lập hồ sơ theo dõi tại cơ sở. Năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi 160,63 ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, chuyển đổi 51,53 ha đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, chuyển đổi 10,25 ha sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiệu quả kinh tế các loại cây trồng hàng năm chuyển đổi theo mùa vụ cao gấp từ 2,5 - 3 lần, của các loại cây trồng lâu năm cao gấp từ 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý theo quy định. Còn xảy ra hiện tượng nhiều xã, phường, thị trấn để người dân tự ý chuyển đổi, không đảm bảo hồ sơ giấy tờ, báo cáo kết quả, đăng ký kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định. Đối với huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc lựa chọn cây trồng để chuyển đổi gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn mang tính tự phát, theo phong trào và nhu cầu của hộ dân, chưa gắn với thế mạnh của từng vùng, chưa được quy hoạch thành vùng chuyên canh gắn với tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến thiếu liên kết trong sản xuất. Do yếu tố địa hình, vị trí địa lý nên các xã có ít doanh nghiệp đến đầu tư, vì vậy diện tích sau chuyển đổi còn thiếu bền vững, nhiều hộ dân chưa yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa.
Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, nhất là không để lãng phí đất sản xuất, Yên Bái sẽ tập trung khắc phục những khó khăn, ngày càng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả.
Nguyễn Thơm