6.600 gia cầm bị tiêu huỷ
Thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), từ đầu năm 2023 đến hết tháng 1/2024, tổng cộng đã có 8.850 ổ dịch CGC do các chủng vi rút CGC A/H5 gây ra.
Đặc biệt, tại nước láng giềng gần với Việt Nam là Campuchia, trong năm 2023 đã có 6 người bị nhiễm vi rút CGC A/H5N1 (trong đó có 4 ca tử vong). Từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến dịch bệnh CGC tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, đã có 4 người nhiễm CGC A/H5N1 (trong đó có 1 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, TP. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy là 36.606 con.
Trong các tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, trước nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan trên diện rộng và nguy cơ xâm nhiễm của vi rút CGC do quá trình nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh CGC, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh CGC trong thời gian tới, Bộ đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Huy động mọi nguồn lực để khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch CGC phát sinh, kiểm soát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, tái phát, lây lan diện rộng; công bố dịch, tổ chức chống dịch theo đúng quy định.
Các tỉnh, TP khẩn trương rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút CGC.
Bên cạnh đó, cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc...
Chỉ sử dụng thịt gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh
Bộ NN&PTNT lưu ý các tỉnh, TP tập trung tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh.
(Theo Kinhtedothi)