Việt Nam nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019.
|
Khoản chi trả của WB mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiến để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu
|
Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải carbon đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.
Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019. Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.
"Thành công của chương trình REDD+ đưa Việt Nam đến gần hơn với việc thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầy tham vọng của Việt Nam, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ các khu vực quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học," Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết.
Việt Nam đã thu được kết quả giảm phát thải vượt quá khối lượng đã ký hợp đồng với Quỹ FCPF, có thể bán khối lượng giảm phát thải vượt trội này cho bên thứ ba, thông qua các Hiệp định song phương hoặc thị trường carbon. Việt Nam cũng có thể sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội này cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu.
"Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiến để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết.
Chương trình này đã tạo ra 16,2 triệu kết quả giảm phát thải đã được xác minh cho giai đoạn 2018 - 2019, cao hơn 5,9 triệu so với khối lượng 10,3 triệu trong Thỏa thuận chi trả giảm phát thải. Ngân hàng Thế giới đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu kết quả giảm phát thải bên ngoài số lượng hợp đồng.
Chương trình giảm phát thải của Việt Nam bảo vệ các khu rừng nhiệt đới của đất nước, bao phủ 3,1 triệu trong số 5,1 triệu ha đất trong khu vực thực hiện chương trình. Những khu rừng này có tầm quan trọng về sinh thái, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 12% dân số Việt Nam, bao gồm 13 nhóm dân tộc thiểu số và nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào rừng, trong đó gần 1/3 dân số trong khu vực sống dưới mức nghèo của quốc gia. Thông qua việc cải thiện quản lý rừng, đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và tăng cường các chính sách nông nghiệp, chương trình giúp tăng cả phạm vi và chất lượng che phủ rừng với sự hợp tác của cộng đồng địa phương.
(Theo VOV)
Sáng ngày 21/3, giá vàng nhẫn trong nước giao dịch quanh mức 69.430.000 - 70.730.000 đồng/lượng, tăng khoảng 1.600.000 đồng/lượng so với cuối phiên ngày hôm qua. Giá vàng SJC sáng nay chạm mốc 82 triệu đồng/lượng, sau đó quay đầu liên tục giảm.
Sáng 21/3, Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Yên Bái kiểm tra thực tế việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiết kiệm điện và tham gia dịch chuyển công suất, hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2024 tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), đào tạo nghề, xây dựng các mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ của các cấp hội phụ nữ Văn Yên được coi là "chìa khóa” giúp hội viên, chị em phụ nữ mở cánh cửa tri thức, tiếp cận được với các tiến bộ KHKT để áp dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp.
Với tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế là một trong những nhiệm vụ đang được tỉnh Yên Bái triển khai với mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 ha cây dược liệu phát triển ổn định, nhân rộng các giống dược liệu quý, có năng suất, chất lượng cao.