Năm 2024, Yên Bái được giao thực hiện CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN với tổng kinh phí là gần 663,3 tỷ đồng. Ngay sau khi được giao vốn, UBND tỉnh đã tiến hành phân bổ cho các đơn vị và chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện cũng như chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Với sự nỗ lực của các đơn vị, đến ngày 19/3/2024, UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 cho 159 công trình thuộc 4 dự án thành phần.
Cụ thể, Dự án 1 - dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hỗ trợ được 704 nhà ở cho hộ nghèo và 6 công trình nước sinh hoạt với tổng kinh phí hỗ trợ là 37,9 tỷ đồng và thực hiện giải ngân 3,6 tỷ đồng, đạt 9,6% kế hoạch.
Dự án 4 - dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTSMN hỗ trợ xây dựng được 118 công trình với kinh phí thực hiện là 247,1 tỷ đồng và đã giải ngân với số vốn là 46,2 tỷ đồng, đạt 18,7% kế hoạch.
Dự án 5 - dự án phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTSMN hỗ trợ xây dựng được 18 công trình với kinh phí thực hiện là 53,3 tỷ đồng. Hiện, các huyện thị đang tiến hành triển khai thực hiện dự án và giải ngân với số vốn là 14,5 tỷ đồng, đạt 27,32% kế hoạch.
Dự án 6 - dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch hỗ trợ xây dựng được 17 công trình với kinh phí thực hiện là 40 tỷ đồng. Hiện, các huyện thị đang tổ chức thực hiện với kinh phí giải ngân là 4,3 tỷ đồng, đạt 10,8% kế hoạch. Vốn sự nghiệp triển khai khó khăn do không còn đối tượng thực hiện; trong đó, có 8 tỷ đồng thuộc Dự án 1 hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, mua sắm nông cụ máy móc và 76,1 tỷ đồng thuộc tiểu Dự án 1- dự án 3 phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bên vững gắn với bảo vệ rừng.
Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: Mặc dù đạt được kết quả khá toàn diện nhưng nguồn vốn xây dựng cơ bản trong quá trình đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các dự án đường điện hoặc triển khai các dự án trồng dược liệu các địa phương, Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn do liên quan đến chuyển đổi rừng tự nhiên (theo quy định không được chuyển đổi) hoặc liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án 1 - dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hiện nay, quỹ đất sạch để thực hiện giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn thiếu, không tập trung, manh mún, nhỏ lẻ, cách xa nơi ở của người dân. Do đó, không phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống; việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện; đối với các trường hợp chia tách thửa đất từ việc nhận tặng, cho đất, nhận thừa kế gặp rất nhiều khó khăn do chia tách thửa đất có diện tích nhỏ lẻ (dưới hạn mức giao đất ở mới, đất nông nghiệp được phép tách thửa); diện tích đất trả ra từ các nông, lâm trường về cho địa phương quản lý chủ yếu có nguồn gốc từ đất rừng tự nhiên, diện tích nhỏ lẻ không tập trung.
Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, theo quy định về đối tượng hỗ trợ trồng rừng phòng hộ của Tiểu dự án 1 - Dự án 3, đối tượng thực hiện trồng rừng phòng hộ; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được thực hiện trên diện tích đất đã giao cho hộ gia đình, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định thì Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất rừng phòng hộ cho "tổ chức" quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng. Do vậy, không có đối tượng đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ theo quy định.
Qua tìm hiểu được biết, Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về hỗ trợ thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và sản xuất cộng đồng cũng gặp khó khăn. Theo quy định, các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các CTMTQG. Tuy nhiên, các đối tượng thuộc 50% còn lại hay đối tượng có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định của các CTMTQG; dẫn đến, không có nhu cầu tham gia dự án, kế hoạch, phương án sản xuất…
Tiểu dự án 2, nội dung số 2 của Dự án 3 đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, nhưng Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế vẫn chưa quy định cụ thể về vùng trồng dược liệu quý và trung tâm nhân giống.
Bên cạnh đó, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về mức chi nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước cho dự án dược liệu quý. Tiểu dự án 3, Dự án 5 - dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTSMN. Mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, mức hỗ trợ bình quân đối với các nhóm đối tượng thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học; cao nhất là 6 triệu đồng/người/khóa học (mức cao nhất chỉ áp dụng đối với người khuyết tật); bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/khóa học 3 tháng (1 triệu đồng/tháng) và mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học. Mức kinh phí này không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, do từ năm 2016 đến nay mức lương cơ sở đã tăng từ 1,2 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, tỉnh đã có văn bản đề nghị, kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như để giải ngân vốn đầu tư, góp phần mang lại hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN trên địa bàn.
Năm 2024, tỉnh Yên Bái được giao thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN với tổng kinh phí gần 663,3 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư là 378,45 tỷ đồng đã phân bổ hết, đạt 100% kế hoạch; vốn sự nghiệp 284,8 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
|
Quang Thiều