Yên Bái: Thành công từ ứng dụng kỹ thuật phát triển giống cam CT9 và CT36

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/5/2024 | 10:31:55 AM

YênBái - Hai giống cam chín sớm CT9 và CT36 của Viện Di truyền nông nghiệp được trồng thử nghiệm với diện tích 10 ha tại xã Trung Tâm (huyện Lục Yên) và xã Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên) đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, nâng cao giá trị cho người nông dân trên một đơn vị diện tích. Đây là mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển giống cam mới theo hướng VietGAP của tiến sĩ Hoàng Mai Thảo – Trưởng bộ môn Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.

Đại diện Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái kiểm tra kết quả thực hiện Dự án tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên
Đại diện Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái kiểm tra kết quả thực hiện Dự án tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên

Tiến sĩ Hoàng Mai Thảo cho biết: Giống cam CT9 là giống chín sớm được Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam tuyển chọn từ giống cam số 9 nhập nội từ Mỹ và giống cam CT36 cũng là giống chín sớm được Viện tuyển chọn từ giống cam Valencia Temprana nhập nội từ Cu Ba năm 2002. Cả 2 giống cam CT9 và CT 36 đều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới năm 2019 theo các Quyết định số 3507/QĐ-BNN-TT và số 3507/QĐ-BNN-TT ngày 11/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Đây là hai giống cam sinh trưởng khỏe, độ đồng đều cao, độ phân cành lớn, tán cây cân đối, bộ lá xanh, dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt, đặc biệt là không bị nhiễm hai bệnh nguy hiểm Greening và Tristeza trên cây trồng, thích hợp với điều kiện sản xuất ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Tỷ lệ đậu quả năm thứ 5 đạt từ 1,7% đến 1,8% so với tổng số hoa trên cây.

Cam cho thu hoạch quả từ tháng 9 đến tháng 11 và có thể lưu giữ quả trên cây đến tháng 12. Ưu điểm là cả 2 giống cam này đều rất ít hạt (0 - 5 hạt), quả mọng nước, quả màu vàng đậm, hương vị thơm, ngọt đậm, rất phù hợp để ăn tươi và chế biến. Năng suất cam trung bình năm thứ 5 là 21 - 30 tấn/ha, ở các vùng sinh thái đạt 23 - 24 tấn/ha.

"Yên Bái có nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả có múi như các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên.... đã hình thành và phát triển tương đối ổn định, có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều mô hình trồng cam đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm có hương hiệu, địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay một số giống cây ăn quả có múi như cam sành Lục Yên, cam sành Văn Chấn đang bị thoái hóa mạnh, nhiều diện tích cam bị chết do bệnh vàng lá thối rễ, một phần diện tích cam đã già cỗi cho hiệu quả kinh tế kém. Mặt khác, cơ cấu giống hiện nay tập trung là cam sành, chín vào dịp tết Nguyên đán, sản lượng nhiều nên giá thấp. Do đó, cần bổ sung và phát triển các giống cam chín sớm hoặc chín muộn có năng suất, chất lượng để rải vụ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh hại, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người dân là hết sức cần thiết”, tiến sĩ Thảo cho biết.

Để thực hiện Dự án tại Yên Bái, nhóm chuyên gia thực hiện đã phối hợp với UBND các xã và các hộ dân tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá các điều kiện sản xuất, phân tích mẫu đất, mẫu nước; chuẩn bị cây giống; xử lý thực bì, đào hố và trồng cây theo đúng quy chuẩn. Trong quá trình chăm sóc, các cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn người dân cách làm cỏ, bón phân, tưới nước và cách phòng trừ dịch hại trên cây cam, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình chăm sóc. 

Bên cạnh đó, các cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn người dân ghi chép hồ sơ, nhật ký sản xuất để làm căn cứ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Để khẳng định sản phẩm an toàn và chất lượng, đơn vị chủ trì Dự án đã tiến hành đánh giá và phối hợp với các đơn vị liên quan cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cam CT 9 và CT 36.  

Thông qua diện tích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng hai giống cam CT9, CT36 đạt tiêu chuẩn VietGAP trong Dự án, bước đầu đã đánh giá được khả năng sinh trưởng và phát triển của hai giống cam phù hợp với điều kiện của 2 huyện Trấn Yên và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Sau trồng 30 tháng, diện tích 10 ha cam CT9, CT36 có tỷ lệ sống đạt trên 90%, cây sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây trunh bình đạt 145,6cm - 165cm; đường kính gốc đạt 3,25cm - 3,60cm, đường kính tán đạt 80,5 - 92,5cm. Cây ra quả bói ở năm thứ 3 với tỷ lệ ra quả trung bình từ 36,5 - 40,9%. Việc bổ sung thêm phân bón vi sinh Tricodermina giúp cây sinh trưởng tốt hơn, giảm bệnh vàng lá. 

Ngoài các hộ dân tham gia Dự án, Trường Đại học Hùng Vương còn tổ chức 2 lớp tập huấn với 60 học viên tham gia. Thông qua lớp tập huấn này, người dân đã nắm được những kiến thức cơ bản trong việc trồng và chăm sóc 2 giống cam CT9, CT36 đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo cơ hội lan tỏa và chia sẻ những kiến thức cho các hộ dân trồng cam trong khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng cam. 

Là một trong những hộ tham gia Dự án, ông Mai Văn Tình, thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cũng khẳng định: "Gia đình tôi cũng đang trồng một số giống cây ăn quả có múi như cam, chanh, bưởi, song với hy vọng tìm được những giống cây phù hợp, cho năng suất tốt, hiệu quả cao, tôi đã đăng ký tham gia 3,5 ha trồng giống cam chín sớm này. Sau 30 tháng trồng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây trung bình đạt 1,5 mét, ra quả bói ở năm thứ 3 với tỷ lệ ra quả trung bình đạt 40%. Tham gia mô hình, tôi đã biết ứng dụng các kỹ thuật canh tác cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc bổ sung phân bón vi sinh theo hướng dẫn, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, giảm tỷ lệ bệnh vàng lá”.

Thông qua Dự án, người dân đã được tiếp cận với giống cam mới và phương thức canh tác tác mới. Hiệu quả ban đầu của Dự án đã góp phần làm thay đổi cơ cấu giống cam, để vùng cam được mở rộng và phát triển ổn định, tạo công ăn, việc làm cho người dân. Việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị cây cam, giúp người nông dân nâng cao khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Hai giống cam chín sớm CT9 và CT36 thường chín vào đầu tháng 9 khi thời điểm lượng cam trên thị trường chưa có nhiều nên dễ tiêu thụ, giá cam ở mức cao hơn so với thời điểm chính vụ nên mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Hiệu quả của Dự án đã được khẳng định. Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển hai giống cam mới có khả năng nhân rộng, ứng dụng cao trong sản xuất, góp phần xây dựng mô hình sản xuất mới, cho năng suất, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.  

Mạnh Cường

Tags Yên Bái Trường Đại học Hùng Vương giống cam CT9 và CT36 Phú Thọ Hưng Thịnh

Các tin khác
Giá gạo tăng giúp giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung.

Theo Bộ Công thương, trong tháng 4 giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và giá một số nguyên vật liệu tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.

Nhân dân xã Đại Đồng kiên cố hóa đường nông thôn.

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, Đảng bộ xã Đại Đồng, huyện Yên Bình đã đạt và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu nhiệm kỳ; trong đó, xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn từ 16,21 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC tăng giảm loạn xạ, rơi xuống 85,5 triệu đồng/lượng chiều hôm qua rồi đột ngột tăng thêm 2 triệu đồng/lượng trong sáng nay 7-5, lên 87,5 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC lập đỉnh mới.

Giá vàng thế giới hôm nay (7/5) bật tăng mạnh mẽ trước sự suy yếu của đồng USD. Trong nước, giá vàng nhẫn được điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng/lượng, giao dịch quanh 73,35 triệu đồng/lượng mua vào và 75,05 triệu đồng/lượng bán ra; còn vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng hơn 0,5 triệu đồng/lượng, leo lên mốc cao mới 86,5 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục