Yên Bái đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/5/2024 | 7:44:25 AM

YênBái - Thời gian qua, Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi từ các nguồn lực của tỉnh lồng ghép với hỗ trợ của trung ương hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngoài cùng bên phải) kiểm tra năng suất, tiến độ thu hoạch lúa xuân tại huyện Lục Yên.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngoài cùng bên phải) kiểm tra năng suất, tiến độ thu hoạch lúa xuân tại huyện Lục Yên.

P.V: Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư (THĐT) vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đến nay?  

Ông Nguyễn Đức Điển: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Yên Bái nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng luôn quan tâm đến hoạt động thu hút, khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản. Các thủ tục hành chính (TTHC) từng bước được đơn giản hóa, rút ngắt thời gian thụ lý, giải quyết; luôn đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đầu tư và quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các DN quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp

Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu giúp tỉnh quy hoạch, định hướng các ngành hàng, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ người sản xuất áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng tham mưu giúp các cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách để đẩy mạnh THĐT trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường THĐT trên địa bàn tỉnh; các nghị quyết của HĐND tỉnh như: Nghị quyết số 09 về chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Nghị quyết số 05 ban hành quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 69  quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh... 

Các quyết định của UBND tỉnh về quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư hay ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã thu hút được khá nhiều DN có tiềm năng, tiềm lực tham gia liên doanh, liên kết đầu tư phát triển sản xuất và thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, DN. 

Điển hình như: Các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm tre măng Bát độ; trồng dâu, nuôi tằm; quế hữu cơ hay một số nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ tiên tiến đã, đang được đầu tư triển khai xây dựng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Yên Bái đã thu hút 9 dự án đầu tư vào nông - lâm nghiệp, thủy sản; lũy kế đến nay, lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản thu hút được 48 dự án, tổng vốn đăng ký 5.270,7 tỷ đồng và 78,6 triệu USD, chiếm 7,8% số dự án, 19,4% tổng vốn đầu tư. 

P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THĐT vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Điển: Bên cạnh những kết quả đạt được, THĐT vào nông - lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, chủ yếu thu hút được các nhà đầu tư nhỏ, quy mô nhỏ; một số dự án đầu tư chưa mở rộng được quy mô sản xuất, các DN, HTX trong tỉnh chưa có nhiều các dự án đầu tư mới. Nguyên nhân là do tác động của tình hình bất ổn ở một số nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Mặt khác, Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình đồi núi chia cắt, sản xuất phân tán, suất đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp chế biến lớn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ THĐT còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn còn yếu và thiếu; dẫn đến khó khăn cho vấn đề kết nối giao thương, liên kết các vùng nguyên liệu và thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong đơn giản hóa các TTHC, song nhìn chung, việc thực hiện các TTHC để được cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án nông nghiệp còn mất nhiều thời gian và liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý.

P.V: Để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới ngành có giải pháp gì và định hướng của tỉnh trong THĐT vào lĩnh vực nông nghiệp?

Ông Nguyễn Đức Điển: Ngành tiếp tục tham mưu giúp tỉnh tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống giao thông liên kết vùng, liên kết tỉnh, liên kết huyện, nâng cấp hạ tầng thủy lợi, cấp nước cho các khu vực sản xuất công nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đầu tư, THĐT và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. 

Đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đơn giản hóa các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, mời gọi các DN có tiềm lực, có thị trường xuất khẩu nông sản tham gia liên doanh, liên kết đầu tư vào nông nghiệp và trở thành đầu kéo dẫn dắt sản xuất một cách ổn định, bền vững. 

Tiếp tục phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, làm cơ sở để thu hút các DN đầu mối liên doanh, liên kết thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Cùng đó, tỉnh cũng ưu tiên THĐT các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường. 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Thông 
(thực hiện)

Tags nông nghiệp đầu tư Yên Bái doanh nghiệp

Các tin khác
Huyện Yên Bình phấn đấu đến năm 2025 có 700 ha tre măng Bát độ.

Không có diện tích "áp đảo" như Trấn Yên song qua 20 năm (bắt đầu từ vùng thượng huyện), huyện Yên Bình đến nay đã và đang phát triển bền vững vùng tre măng Bát độ, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, từng bước đáp ứng mục tiêu chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững đồng thời hứa hẹn tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài.

Người dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn

Trong giai đoạn 2019 – 2024, huyện Văn Chấn đã được đầu tư gần 420 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

Gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân tỉnh Yên Bái tại Hà Nội.

Trong 3 ngày 17 - 20/5, Hội Nông dân tỉnh (HND) Yên Bái đã tham gia “Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cao, thân thiện với môi trường” do HND thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chương trình phối hợp giữa HND thành phố Hà Nội với HND các tỉnh, thành năm 2024.

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được đơn vị tạo điều kiện phát huy sáng kiến trong công việc.

Để sở hữu nguồn lao động phù hợp với nhu cầu, các doanh nghiệp (DN), chủ sử dụng lao động ở Yên Bái đã phối hợp với các cơ sở đào tạo cùng đào tạo, đào tạo lại để người lao động (NLĐ) có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục