Xuân Ái: Nông dân trẻ vươn lên làm giàu

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/6/2024 | 7:58:01 AM

YênBái - Những năm qua, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên phát triển mạnh mẽ phong trào xây dựng điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Từ phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương, không ngừng học hỏi, sáng tạo vươn lên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần thi đua sôi nổi, rộng khắp. Nhà nông trẻ Phạm Thế Linh ở thôn Trung Tâm với mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn khép kín là một tấm gương điển hình.

Anh Phạm Thế Linh chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng.
Anh Phạm Thế Linh chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng.

 
Tình cờ trong chuyến công tác tại xã Xuân Ái, chúng tôi được biết đến anh thanh niên trẻ Phạm Thế Linh. Khi nhắc đến anh Linh, các đồng chí lãnh đạo xã đều khen ngợi, giới thiệu đây là một tấm gương thanh niên tràn đầy ý chí quyết tâm, tinh thần vươn lên vượt khó, năng động. Những lời khen ngợi đã thôi thúc chúng tôi đến gặp gỡ, tìm hiểu về anh. Không hẹn trước, nhưng thấy cán bộ xã dẫn chúng tôi đến, anh Linh nhiệt tình, niềm nở ra chào. 

Chia sẻ về lý do đến với mô hình chăn nuôi lợn khép kín, anh Linh cho hay: "Tôi sinh năm 1993, học xong phổ thông thì làm thuê nhiều nghề nhưng mãi chẳng dư giả được bao nhiêu. Đến năm 2019, tôi lấy vợ và việc phải chăm lo cuộc sống cho gia đình đã thôi thúc tôi phải đổi nghề để ổn định cuộc sống chứ không thể đi làm thuê mãi được. Loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế thì năm 2021, khi được chính quyền xã khuyến khích, tạo điều kiện, tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn. Rất may, đúng thời điểm ấy mô hình của tôi được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để nuôi 15 con lợn nái và 40 triệu đồng để nuôi 100 con lợn thịt”. 

Xuất phát từ gia đình thuần nông, khởi nghiệp với những điều kiện thuận lợi, anh Linh tưởng chừng như sẽ dễ dàng phát triển lên, thế nhưng việc chăn nuôi hơn 100 con lợn theo hướng công nghiệp khác hoàn toàn so với chăn nuôi một vài con của gia đình như trước đây. Bởi vậy, thời gian đầu lập nghiệp, anh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Nhớ lại những ngày tháng ấy, anh Linh tâm sự: "Bắt tay vào làm đã ở quy mô lớn nên tôi gặp nhiều trở ngại nhất là về kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi, phòng bệnh. Nhiều lúc tự nhiên đàn lợn bị bệnh, dù không nặng nhưng ngày ấy chưa có kinh nghiệm nên đêm nằm tôi không ngủ nổi, chỉ lo mất trắng tất cả. Để duy trì được đến hiện giờ, đối với tôi là cả một quá trình tích lũy, học hỏi”. 

Không chịu lùi bước trước khó khăn, anh đã tự đọc, nghiên cứu trên sách, báo, tivi, mạng Internet, nhất là tích cực tham gia các lớp tập huấn liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn rồi từ đó đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. 

Kể tới đây, giọng anh Linh chợt hào hứng chia sẻ thêm về kỹ thuật, chuồng trại chăn nuôi hiện tại: "Tôi nuôi lợn theo mô hình khép kín hiện đại, an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc của lợn với môi trường bên ngoài. Chuồng trại được xây dựng kín nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng. Đặc biệt, khâu vệ sinh, phun hóa chất khử trùng tiêu độc phải tuân thủ nghiêm ngặt, tuyệt đối thực hiện cách ly với môi trường xung quanh, không cho người lạ và động vật khác vào khu chăn nuôi. Trước khi vào chăm sóc lợn, người và dụng cụ đem theo đều phải đi qua hệ thống khử khuẩn, sát trùng. Như vậy mới đảm bảo đàn lợn không tiếp xúc trực tiếp với nguồn dịch bệnh từ bên ngoài, tránh bệnh dịch lây nhiễm”. 

Nhờ nuôi lợn theo mô hình khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên anh Linh đã giảm chi phí thức ăn, thuốc thú y, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng thịt, tăng thu nhập. Hằng năm, trang trại của anh Linh nuôi được 2, 5 lứa lợn, đem lại 280 - 300 triệu đồng tiền lãi. 

Phát triển kinh tế gia đình, thu nhập tốt từ chăn nuôi lợn khép kín, anh Phạm Thế Linh còn giúp đỡ nhiệt tình về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, bảo vệ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm với bà con thôn, xã để góp sức vào công cuộc giảm nghèo, làm giàu chính đáng của địa phương. Đánh giá về anh Linh, đồng chí Trịnh Quách Côn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ái cho biết: "Anh Linh và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia nhiệt tình vào các phong trào của thôn, xã phát động. Anh Linh là điển hình của nông dân trẻ vừa làm giàu cho bản thân vừa góp phần đóng góp cho sự phát triển chung, là gương sáng về vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để mọi người noi theo”.

Lê Thương

Tags Nông dân làm giàu Xuân Ái Văn Yên Phạm Thế Linh

Các tin khác
Người dân thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên mở rộng đường giao thông trong thôn. (Ảnh: Thành Trung)

Dù là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh Yên Bái đã dồn nguồn lực để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), đặc biệt là Đề án phát triển GTNT đã tạo sức lan tỏa để nhân dân chung sức, đồng lòng kiên cố hóa hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, bản mỗi năm, góp phần tạo đà phát triển kinh tế xã hội nơi vùng sâu, vùng xa.

Phối cảnh công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái.

Chiều 5/6, Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tổ chức trao giải thưởng và giấy chứng nhận thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái.

Đoàn viên thanh niên huyện Yên Bình giúp người dân thu hoạch lúa xuân.

Đó là thông tin từ Hội nghị sơ kết vụ sản xuất lúa đông xuân năm 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ hè thu năm 2024 tại huyện Yên Bình.

Ngành Thuế áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền với lĩnh vực kinh doanh phục vụ chơi golf.

Từ ngày 1-8-2024, triển khai các giải pháp để áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh: bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,… phục vụ chơi golf.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục