Yên Bái sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 15 tháng 8 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 187/2006/QĐ - TTg về việc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007.

Cục thống kê tỉnh tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2007 cho các ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: Nguyễn Giang)
Cục thống kê tỉnh tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2007 cho các ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: Nguyễn Giang)

Ngày 1/7/2007, cuộc tổng điều tra sẽ được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về mục đích cũng như đối tượng, nội dung, phạm vi của cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp lần này, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp tỉnh Yên Bái. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Xin ông cho biết mục đích của cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007?

Ông Nguyễn Văn Ngọc: Cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 (gọi tắt là tổng điều tra cơ sở kinh tế), nhằm thu thập những thông tin cơ bản về số cơ sở kinh tế, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở kinh tế; kết quả hoạt động; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; sự phân bố các cơ sở kinh tế, phân bố lực lượng lao động theo từng ngành kinh tế, theo địa bàn, theo cấp hành chính (xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố và cả nước). Những thông tin trên sẽ được tổng hợp thành nhiều chỉ tiêu thống kê phục vụ các yêu cầu sau: đánh giá, kiểm điểm giữa kỳ một số chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính...; biên soạn một số chỉ tiêu thống kê tổng hợp theo lãnh thổ; đồng thời, kết quả tổng điều tra còn cung cấp dàn mẫu tổng thể phục vụ các cuộc điều tra chọn mẫu của ngành thống kê và yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin bản đồ địa lý (GIS) về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp.

- Thưa ông, phạm vi và đối tượng điều tra trong cuộc tổng điều tra lần này là gì?

Ông Nguyễn Văn Ngọc: Phạm vi điều tra bao gồm các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp đang hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam chia theo cấp quản lý từ Trung ương đến các tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường/thị trấn. Đơn vị điều tra là cơ sở kinh tế, là nơi trực tiếp diễn ra hoạt động kinh tế, bao gồm hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động Đảng, đoàn thể, hiệp hội... có chủ thể quản lý hoặc chịu trách nhiệm thực hiện công việc tại đó; có địa điểm xác định và thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục, định kỳ. Với ý nghĩa này đơn vị điều tra không phân biệt cấp quản lý (TW/tỉnh/huyện/xã), không phân biệt loại hình hạch toán (độc lập/phụ thuộc), không phân biệt quy mô (to, nhỏ). Phạm vi điều tra bao gồm toàn bộ cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành kinh tế từ khai khoáng (ngành B) đến hoạt động làm thuê các công việc gia đình (ngành T).

Trong cuộc điều tra này đối tượng điều tra chia làm 2 khối. Khối sản xuất kinh doanh bao gồm: doanh nghiệp đơn vị (không có chi nhánh); trụ sở chính của doanh nghiệp (trong trường hợp doanh nghiệp có ít nhất 1 chi nhánh đóng ở địa điểm khác với trụ sở chính); chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp; địa điểm sản xuất kinh doanh; kho tàng, bến bãi để hàng có người quản lý; điểm bán hàng, cửa hàng, quầy hàng có địa điểm riêng; các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.  Khối hành chính sự nghiệp bao gồm: các cơ quan nhà nước, các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, cấp Trung ương, cấp địa phương; các đơn vị sự nghiệp; các cơ quan tổ chức xã hội nghề nghiệp; các cơ quan  tổ chức xã hội; các cơ sở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của các cơ quan tổ chức trên. Một số đối tượng không nằm trong phạm vi tổng điều tra lần này là: các cơ sở kinh tế cá thể hoạt động trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản (đã điều tra trong tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp); các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; các cơ sở kinh tế không có địa điểm cố định như vận tải thô sơ, bán hàng rong (không điều tra mà chỉ lập danh sách theo nơi cư trú của người hành nghề đó).

- Cách thức tiến hành cuộc tổng điều tra lần này ?

+ Cuộc tổng điều tra lần này sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Lập danh sách đơn vị điều tra gồm có 3 bước.

Bước 1: Lập danh sách ban đầu các đơn vị điều tra. Mục đích của việc lập danh sách ban đầu để rà soát và ước tính số lượng cơ sở, kinh tế, hành chính, sự nghiệp theo từng loại đối tượng điều tra của tỉnh, làm cơ sở để tính toán sơ bộ số lượng điều tra viên, giám sát viên, dự trù kinh phí, dự trù in tài liệu, phiếu điều tra và dùng làm cơ sở để so sánh, kiểm tra, đối chiếu với danh sách thực tế lập theo địa bàn.

Bước 2: Lập danh sách thực tế các đơn vị điều tra theo địa bàn điều tra. Địa bàn điều tra được xác định theo đơn vị quản lý hành chính là tổ dân phố/cụm dân cư/khu phố/thôn/xóm/bản. Tuy nhiên đối với các khu vực tập trung nhiều cơ sở kinh tế như: chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... nên xác định là các địa bàn điều tra riêng và giao cho ban quản lý của các khu vực đó lập danh sách.

Bước 3: Tổng hợp danh sách điều tra. Ban chỉ đạo huyện/thị/thành phố tổng hợp điều tra gửi lên Ban chỉ đạo tỉnh để tổng hợp báo cáo số lượng đơn vị điều tra, theo đối tượng thực hiện từng loại phiếu điều tra, theo huyện và gửi lên Ban chỉ đạo Trung ương.

Giai đoạn 2: Thu thập thông tin từ đơn vị điều tra. 

Việc thu thập thông tin từ đơn vị điều tra chỉ tiến hành đối với các cơ sở có địa điểm cố định theo 2 phương pháp: điều tra trực tiếp (điều tra viên trực tiếp phỏng vấn đơn vị điều tra và điền thông tin vào phiếu); điều tra trực tiếp kết hợp gián tiếp (điều tra viên mang phiếu điều tra đến đơn vị điều tra, hướng dẫn đơn vị điều tra ghi phiếu và hẹn thu phiếu). Nội dung điều tra bao gồm: nhóm thông tin định dạng cơ sở, nhóm thông tin về lao động; nhóm thông tin về kết quả hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin; nhóm thông tin về tài sản, vốn, hiệu quả sản xuất kinh doanh...

- Vậy xin ông cho biết, tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra lần này như thế nào?

+ Để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trong toàn tỉnh vào ngày 1/7/2007, từ tháng 01/2007, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp của tỉnh.

Tiếp đó, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch các bước tiến hành cuộc tổng điều tra trên địa bàn tỉnh Yên Bái và chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thành lập các ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch tổng điều tra của địa phương trong tháng 3/2007. Các địa phương chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo/tổ chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn trong tháng 4/2007.

Cùng với công tác chỉ đạo, các địa phương thành lập các ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch điều tra, Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra.

Lớp 1: Tập huấn cho thành viên ban chỉ đạo, tổ thường trực tỉnh, ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố , các giám sát viên, giảng viên cấp tỉnh và điều tra viên.

Lớp 2: Tập huấn điều tra viên với nội dung, nhiệm vụ của điều tra viên và tập huấn các phiếu điều tra.

Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra cho ban chỉ đạo/tổ chỉ đạo, tổ trưởng điều tra và điều tra viên và tập huấn các loại phiếu cho điều tra viên... Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Ngày 1/7/2007, cuộc Tổng điều tra sẽ được tiến hành trong phạm vi toàn tỉnh và sẽ hoàn thành khâu thu thập thông tin ghi phiếu điều tra vào ngày 30/7/2007.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Giang

Các tin khác

YBĐT - Thời điểm này, ngành thuế đang nỗ lực thực hiện các chương trình kế hoạch, đảm bảo đúng lộ trình của Chiến lược cải cách và hiện đại hoá hệ thống thuế đến năm 2010 mà trước mắt là triển khai có hiệu quả Luật Quản lý thuế, được áp dụng từ ngày 1/7/2007. Theo đó, sẽ mở rộng việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp (DN) tự kê khai, tự nộp thuế đối với các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện. Đồng thời, triển khai thực hiện bộ máy mới theo hướng chuyên môn hóa, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các phòng và các tổ, đội thuế.

(Ảnh minh hoạ)

YBĐT - Năm 2007, thành phố tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu B Chợ Yên Bái, bố trí 165 điểm kinh doanh thuận tiện cho 15 ngành hàng; trên 3.000 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tích cực đầu tư mở rộng thị trường.

Nông dân xã Tú Lệ (Văn Chấn) làm hàng mây tre đan xuất khẩu tăng thu nhập.

YBĐT - Kinh tế tư nhân ở Yên Bái đang đứng trước rất nhiều khó khăn, còn bộc lộ một số hạn chế. Số lượng doanh nghiệp có tăng nhưng tốc độ phát triển còn chậm và chưa bền vững, đa số các doanh nghiệp tư nhân có qui mô nhỏ, công nghệ sản xuất đơn giản, năng lực cạnh tranh trên thị trường thấp.

YBĐT - Từng bước hiện đại hóa nhằm bắt kịp với xu thế của thị trường, sẵn sàng hội nhập với nền tài chính khu vực và thế giới, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã và đang đẩy mạnh phát triển các loại dịch vụ ngân hàng bán lẻ, trong đó có dịch vụ thẻ ATM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục