Cuối giờ sáng ngày 12/9, tại cửa hàng Winmart+ 1016 đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, các mặt hàng thịt tươi sống, đồ khô, hoa quả vẫn còn khá nhiều, chỉ có rau xanh là đã hết. Chị Nguyễn Thuý Quỳnh ở phường Minh Tân chia sẻ: "Mấy ngày nay, sáng nào tôi cũng qua cửa hàng này để lựa chọn đồ tươi sống cho gia đình. Hàng hoá khá nhiều, đa dạng và tươi; giá cả cũng vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá”.
Đến ngày 11/9, trên địa bàn thành phố chỉ có 3 cửa hàng thuộc hệ thống Winmart+ đang hoạt động bán hàng; 4/9 chợ gồm: chợ Yên Thịnh, Bến Đò, Minh Tân, Nguyễn Thái Học cũng đang hoạt động. Một số điểm bán hàng trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường. Song về cơ bản, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được bảo đảm phục vụ người dân trên địa bàn; giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định.
Tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá đột biến; riêng nhóm rau xanh tăng 30 - 40% so với ngày thường.
Để bảo đảm đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhân dân, Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, nhà phân phối, ban quản lý/tổ quản lý chợ có phương án bổ sung nguồn cung cấp ngoài tỉnh; chủ động nhập hàng hóa thiết yếu: nước, sữa, mì tôm… để phục vụ nhân dân, đặc biệt khi tỉnh có yêu cầu về trưng mua để khắc khục bão lũ thiên tai.
Khi cần số lượng lớn hàng hóa thiết yếu, Sở cũng đã có phương án đề nghị Sở Công Thương Phú Thọ và Hà Nội hỗ trợ cung ứng. Đối với người dân trong vùng bị ngập sâu và bị cô lập, chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn đang cung ứng lương thực hằng ngày. Lực lượng, phương tiện cũng được bố trí, nỗ lực đưa nhu yếu phẩm đến tay người dân.
Thượng tá Trần Trọng Sáng - Trưởng Công an huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hiện có, cố gắng hết sức để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cũng như cứu trợ, đưa các nhu yếu phẩm đến tay bà con trong vùng ngập sâu, bị cô lập”.
Đối với mặt hàng xăng dầu, đến ngày 11/9, toàn tỉnh có 130 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó 18 cửa hàng bị ngập nước và mất điện ngừng hoạt động. Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty Xăng dầu Yên Bái, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái bằng mọi biện pháp cung ứng, vận chuyển xăng dầu bằng phi, can đến địa bàn ngập lụt để cung cấp xăng dầu phục vụ cho lực lượng cứu hộ khắc phục thiên tai.
Ngay sáng 11/9, khi huyện Trấn Yên thiết lập được đường tới điểm tiếp cận vùng ngập sâu, bị chia cắt và cô lập, Sở Công Thương đã vận chuyển lưu động 9 m3 xăng và 4 m3 dầu cung cấp cho lực lượng cứu hộ.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã triển khai các giải pháp, nỗ lực đảm bảo, duy trì cung ứng bình thường phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng chống thiên tai và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Ông Bùi Đăng Toản - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Yên Bái cho biết: "Công ty có 36 cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh, trong đó 8 cửa hàng tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đợt thiên tai này. Hiện tại, Công ty đã đảm bảo có điện phục vụ 2 cửa hàng ngừng hoạt động do mất điện, 1 cửa hàng ngập cục bộ đã được dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa các trang thiết bị hỏng và kiểm tra chất lượng hàng hoá để hoạt động trở lại. Lượng hàng hoá của chúng tôi luôn đủ để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và công tác cứu nạn, cứu hộ. Cứ giao thông thông suốt là chúng tôi sẽ đưa xăng dầu đến”.
Lực lượng quản lý thị trường cũng đã được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.
Với sự chủ động của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đến nay nguồn hàng, kế hoạch vận chuyển đã sẵn sàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu ứng cứu trong thiên tai và khôi phục sản xuất sau bão lũ, góp phần ổn định thị trường, không gây ra xáo trộn đời sống của người dân.
Hoài Anh