Bà Lò Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Văn Chấn cho biết: "Thông qua các hoạt động thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và Kế hoạch thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các xã, thị trấn tuyên truyền để chị em nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế tập thể và giá trị to lớn của sự hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần thay đổi trong tư duy sản xuất, kinh doanh từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy kinh tế tập thể, hợp tác”.
Hội đã tích cực vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia các chương trình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng các sản phẩm đặc sản của địa phương; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; mạnh dạn khởi nghiệp, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, tạo nền tảng để hội viên phụ nữ thoát nghèo, xây dựng các mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Đây chính là tiền đề để bước đầu các hộ dân có tiềm lực, có khả năng và khát vọng phát triển kinh tế quy mô lớn hơn tiến lên xây dựng các tổ hợp tác liên kết sản xuất hay các hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Hội LHPN huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phụ nữ; khuyến khích hội viên phụ nữ trên cơ sở những kiến thức đã được học, mạnh dạn đưa cây giống, con giống, ngành nghề mới và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, hình thành nên những tổ hợp tác của phụ nữ hoạt động rất hiệu quả, như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản tại xã Minh An; Tổ hợp tác ươm giống quế tại xã An Lương; Tổ hợp tác nuôi ốc, ếch và trồng hoa tại xã Tân Thịnh; Tổ hợp tác trồng và sản xuất hạt giống tại xã Sơn Lương…
Xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương về nguồn lực con người, sản phẩm đặc trưng, khả năng huy động vốn, Hội LHPN huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, định hướng bồi dưỡng, hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, HTX do nữ làm chủ từ chính những sản phẩm là thế mạnh của địa phương, như: chè, quế, măng sặt, dâu tằm, gia súc, gia cầm, lúa đặc sản…
Hội LHPN huyện và cơ sở đồng hành hỗ trợ nguồn lực cho các mô hình tổ hợp tác, HTX do nữ làm chủ bằng cách trên cơ sở ký ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, Hội LHPN các cấp hỗ trợ vay vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết việc làm cho các thành viên tổ hợp tác, HTX.
Đối với các HTX có đầu tư máy móc, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để đề xuất với Trung tâm Khuyến công - Sở Công Thương để cho HTX được hưởng chính sách khuyến công. Cùng với đó, trên cơ sở định hướng của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho thành viên, quản lý HTX nữ; tập huấn cách thức khởi nghiệp kinh doanh và duy trì mô hình kinh doanh trên nền tảng số…
Nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN của huyện đã hỗ trợ được 360 chị mạnh dạn khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng 45 mô hình kinh tế của phụ nữ cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên, trong đó, có nhiều mô hình cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đã tuyên truyền, vận động hỗ trợ thành lập mới 7 HTX, 2 doanh nghiệp do nữ làm chủ và tham gia quản lý; thành lập và duy trì hoạt động của 167 tổ hợp tác do nữ làm chủ.
Nhiều mô hình sau khi thành lập có quy mô và hoạt động hiệu quả cao như: HTX Dâu tằm thôn Khe Nhừ, xã Tân Thịnh thành lập năm 2022, thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm; HTX Tổng hợp Thiện Vinh, xã Thượng Bằng La thành lập năm 2022, thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm…
Những kết quả đó đã giúp phụ nữ trên địa bàn cải thiện kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Thu Hạnh