Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngành báo chí đang rất cần những giải pháp tháo gỡ về kinh tế, để có thể trụ vững, làm tốt vai trò định hướng thông tin.
Báo chí chật vật duy trì hoạt động
Thật buồn khi thời gian qua, không ít phóng viên, cộng tác viên một số cơ quan báo chí lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, DN, địa phương, có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp. Những hành vi thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật nêu trên đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, không có lý do nào có thể bao biện cho những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo, phóng viên, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là "bụng đói, đầu gối phải bò”. Nhiều cơ quan báo chí chuyển đổi từ được bao cấp, sang tự chủ, nên phải đối mặt với bao nhiêu cái khó, mới mẻ, không phải đơn vị nào cũng tự chủ được. Đặc biệt là những tờ báo làm tuyên truyền đường lối, chính sách, tuyên truyền pháp luật sẽ khó khăn trong việc phát hành, cũng như kêu gọi quảng cáo.
Thực tế, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và mạng xã hội, ngành báo chí đang phải đối diện vô vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Ngoài phải cạnh tranh về thông tin, tin giả, tin thật… với các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan báo chí còn đối mặt với khó khăn về kinh tế. Do sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội, các nhà quảng cáo có nhiều lựa chọn hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào các tờ báo và đài phát thanh, truyền hình như trước đây. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí truyền thống.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ: Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội khác, việc có cơ chế chính sách ưu đãi cho cơ quan báo chí là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn để các cơ quan báo chí vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện công tác thông tin đời sống xã hội.
Mặt khác, để cạnh tranh và tồn tại trong môi trường thông tin số hóa, các cơ quan báo chí buộc phải đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Những chi phí này ngày càng tăng cao và tạo ra áp lực lớn lên ngân sách của các cơ quan báo chí. Cùng với đó, việc chuyển đổi từ mô hình báo chí truyền thống sang báo chí số hóa đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi toàn diện về mô hình kinh doanh.
Đánh giá về thực trạng của ngành báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình đã giảm hơn 20% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Trong khi đó, hàng năm, chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, sự phát triển của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia, doanh thu của các cơ quan báo chí cùng với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tài chính càng khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí khó khăn hơn. Chưa kể, với kinh phí sản xuất ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất… Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, vì thế Nhà nước cần hỗ trợ và bảo đảm các điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.
Giảm thuế, chia sẻ gánh nặng kinh tế với báo chí
Để hỗ trợ các cơ quan báo chí hoạt động trong điều kiện nguồn thu từ quảng cáo đang bị thu hẹp, Bộ Tài chính và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi cho các cơ quan báo chí, trong đó có ý kiến đề nghị áp một mức thuế ưu đãi chung cho tất cả các loại hình báo chí. Đề xuất này cũng được yêu cầu đưa vào dự án Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi). Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Theo quy định tại Điều 10 Luật thuế thu nhập DN, các cơ quan báo chí (trừ báo in) phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các loại hình báo chí, gây khó khăn cho báo điện tử và các loại hình khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn thu. Do đó, ở lần sửa đổi Luật lần này, các cơ quan báo chí và Bộ TT&TT kiến nghị áp một mức thuế chung với báo chí là 10%, để tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân.
Góp ý vào dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 37 thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến, hiện toàn bộ báo chí là cơ quan Nhà nước, nguồn thu dựa vào quảng cáo, trong khi đó, "bánh quảng cáo” lại giảm đi rất nhiều, các cơ quan báo chí hiện rất khó khăn. Tất cả các loại hình báo chí, từ báo in, báo điện tử đến phát thanh, truyền hình, đều là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Nhà nước. Do đó, các loại hình này nên được hưởng ưu đãi thuế tương đương với báo in, nhằm tạo sự cân bằng và công bằng trong môi trường báo chí. "Chúng tôi có làm việc với Bộ TT&TT và thống nhất đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10% như báo in hiện nay” – ông Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho rằng, đề xuất mức thuế suất ưu đãi 15% đối với các loại hình báo chí khác ngoài báo in đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm sự tương quan với các ngành nghề khác. Mức thuế này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện tại, vừa bảo đảm tính công bằng giữa các ngành, vừa giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính. Với đề xuất điều chỉnh trên, Bộ Tài chính mong muốn tạo sự bình đẳng hơn trong chính sách thuế đối với tất cả các loại hình báo chí, đồng thời khuyến khích sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa và chuyển đổi số.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính diễn ra ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đang xem xét các phương án, tiếp thu đề xuất của cơ quan báo chí và sẽ có đề xuất cơ quan thẩm quyền mức ưu đãi phù hợp, bảo đảm hài hòa, hỗ trợ cho cơ quan báo chí trong bối cảnh thu nhập các cơ quan báo chí đều đang giảm sút. "Việc này cần làm sớm, làm ngay” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Việc áp dụng thuế suất ưu đãi 15% cho hoạt động báo chí khác là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính. Mong muốn của Bộ TT&TT và các cơ quan báo chí là áp dụng thuế suất thấp hơn nữa cũng là một nguyện vọng chính đáng nhưng cần phải cân nhắc mang tính tổng thể để không quá chênh lệch với lĩnh vực khác - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm.
(Theo Kinhtedothi)