Hồi sinh mãnh liệt
Chỉ tay về những vườn bưởi vừa được "cứu" khỏi lũ đang đâm chồi xanh mơn mởn tại khu vực trũng nhất thôn Khả Lĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh Nguyễn Kiều Hưng phấn khởi kể lại cả quá trình: "Các anh thấy sức sống của cây bưởi có mãnh liệt không? Một tháng trước, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn bộ diện tích bưởi ở đây bị ngập trong nước lũ, cả khu vực này toàn màu trắng đục của bùn đất, cây cối héo úa. Người trồng bưởi ai cũng xót xa, vừa tiếc nuối số quả bưởi sắp đến kỳ thu hoạch đều bị thối vừa băn khoăn lo sợ cây bưởi bị chết hết. Cán bộ xã xuống động viên, đánh giá toàn xã có 450 ha bưởi thì có 100 ha bị ảnh hưởng, trong đó có 50 ha bị nặng. Đánh giá chủ quan trước tình hình thực tế, Đại Minh sẽ mất đến 20 ha vì mưa lũ đấy. Còn bây giờ, sau khi nhận được quan tâm, hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, toàn bộ diện tích bưởi bị ngập úng đã căng tràn nhựa sống, đâm chồi xanh non mạnh mẽ, số diện tích thiệt hại hoàn toàn chỉ còn 1 - 2 ha mà thôi. Người trồng bưởi ai cũng mừng vì cây bưởi sống rồi”.
Khu vực vườn bưởi với 80 gốc bị ảnh hưởng mưa lũ của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thủy ở thôn Khả Lĩnh sau một thời gian được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cắt tỉa đến giờ đã hồi sinh. Cả vườn bưởi giờ phủ màu xanh của mầm chồi đang tua tủa từ những cành được cắt tỉa. Ở những cây bưởi bị ảnh hưởng nhẹ, những tán cây đã được vệ sinh sạch sẽ, tán lá xanh đậm tỏa bóng làm nền cho những chồi non mới mọc ở trên. Cả khu vườn được dọn dẹp phong quang, đất được xới xáo tơi xốp thuận lợi cho cây hấp thu chất dinh dưỡng.
Chị Thủy kể, vườn bưởi của gia đình chị được chọn làm điểm để các chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đến nắm bắt, trực tiếp hướng dẫn người trồng các biện pháp hồi phục cây sau lũ. Từ cuối tháng 9, các chuyên gia đã trực tiếp hướng dẫn người dân vệ sinh tán cây, cắt bỏ những cành bị ngập sâu trong nước, bị khô héo, cành bị gãy, mục; tiến hành vệ sinh dưới tán cây, thu gom toàn bộ số quả bưởi bị thối, tất cả các cành lá, gốc cây gỗ trôi. Tiếp đó, đưa các nông cụ để nhanh chóng xới đất phá váng mặt vườn, tiến hành xử lý bằng vôi để hạn chế ảnh hưởng của nấm bệnh.
Chị Thủy chia sẻ: "Lúc đầu người dân ai cũng lo lắng nhưng khi được tiến sĩ Bùi Quang Đãng - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trực tiếp kiểm tra từng gốc cây và khẳng định sẽ cứu được khiến ai cũng mừng rỡ, khấp khởi đón đợi”.
Người dân Đại Minh vui mừng bên vườn bưởi đã hồi sinh sau lũ.
Cây bưởi còn là nghề trồng bưởi còn
Sau nửa tháng triển khai các biện pháp kỹ thuật, người dân đồng lòng, quyết tâm thực hiện đã giúp vườn bưởi bị ngập úng nhanh chóng hồi sinh. Đa số hộ có diện tích bưởi bị ngập úng ở Đại Minh giờ xác định: Vụ này coi như bỏ đi nhưng cây bưởi còn, nghề trồng bưởi vẫn còn là niềm vui lớn hơn nên ai cũng tranh thủ lần thứ 2 các chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tới kiểm tra, hỗ trợ người dân các kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây bưởi để học tập, áp dụng các kỹ thuật mới cho cây. Đại diện cho các hộ trồng bưởi của xã, chị Thủy tranh thủ hỏi thêm các đoàn chuyên gia về cách tỉa chồi, kỹ thuật về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi và được giải đáp một cách thấu đáo, tỉ mỉ.
Chị Thủy chia sẻ: "Cây bưởi đã đâm chồi sau khi được cắt tỉa nhưng đó là mầm chồi trái vụ nên chỉ thời gian ngắn nữa sẽ ra hoa trái vụ nên các chuyên gia khuyên chúng tôi tranh thủ cắt tỉa bớt các chồi mầm, hoa để giúp cây sớm trở về nhịp sinh học bình thường. Cùng đó, các chuyên gia hướng dẫn chúng tôi cách tỉa cành để cây tập trung phát triển các chồi chính một cách khỏe mạnh và dạy cách pha thuốc trị nấm, các phun chế phẩm sinh học lên đất, tán cây giúp đạt hiệu quả cao trong quá trình khôi phục cây…”.
Gia đình chị Trần Thị Kim Tuyến cũng ở thôn Khả Lĩnh có khoảng 200 gốc bưởi bị ảnh hưởng mưa lũ cũng đã được hỗ trợ khôi phục diện tích. Chị còn quan tâm học hỏi thêm các chuyên gia về biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi đặc sản địa phương.
Chị Tuyến chia sẻ: "Cây bưởi bị ảnh hưởng mưa lũ đã được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp phục hồi thành công rồi. Tôi mong muốn được học hỏi và chia sẻ thêm về các biện pháp thâm canh, chăm sóc cây bưởi và được các chuyên gia hướng dẫn các biện pháp cắt tỉa để cây tập trung nuôi quả đảm bảo các tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, hướng đến sản phẩm đều quả, chuẩn vị và nâng cao giá trị sản phẩm. Học hỏi thêm được các kiến thức từ chuyên gia nông nghiệp sẽ giúp người trồng bưởi nâng cao được tay nghề, tiếp tục gia tăng giá trị bưởi đặc sản Đại Minh trong thời gian tiếp theo”.
Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Minh đánh giá sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh chuẩn xuất bán trong năm nay.
Sản phẩm bưởi Đại Minh được trồng tại hai xã Đại Minh và Hán Đà của huyện Yên Bình với trên diện tích 565 ha, mỗi vụ thu gần 14 triệu quả, sản lượng khoảng 1.200 tấn. Cơn bão số 3 diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua đã gây ngập nhiều diện tích bưởi của xã Đại Minh. Lũ rút để lại cảnh tiêu điều, xơ xác với quả rụng, cây khô, lá chết trắng khiến người dân khi đó đã phải
"khóc" bưởi vì không hy vọng còn cứu được. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá lại thật kỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, số cây bưởi bị ngập úng nặng chỉ chiếm khoảng 10% diện tích, trong đó số lượng cây bị mất trắng chỉ chiếm 2%; thiệt hại về kinh tế chỉ nằm ở một số hộ cá thể chứ không tác động lớn trên lĩnh vực trồng cây ăn quả của địa phương. Như vậy, các sản phẩm bưởi tại hai xã Đại Minh, Hán Đà của huyện Yên Bình sẽ được thu hoạch, xuất bán theo đúng kế hoạch mà các địa phương đề ra, đặc biệt là vào chính vụ bưởi trung tuần tháng 11 năm 2024 cũng sẽ rất nhộn nhịp với nhiều mặt hàng, sản phẩm chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đại Minh, một trong những HTX có nhiều năm kinh doanh sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh, cho biết: "Số lượng hộ thành viên của HTX bị ảnh hưởng mưa lũ là không nhiều nên không ảnh hưởng đến lượng xuất bán của đơn vị trong vụ bưởi năm 2024. Chính vụ bưởi Đại Minh tháng 11 năm nay, HTX sẽ tiếp tục thu mua quả trên khoảng 10 ha bưởi cho người dân, trong đó tập trung vào các sản phẩm bưởi Đại Minh, Diễn, Soi Hà… Các sản phẩm sẽ hướng đến thị trường trong, ngoài tỉnh, các trung tâm thương mại lớn trong toàn quốc và tập trung các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP, sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ…
Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở, sự nỗ lực của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng, quyết tâm của người dân đã góp phần nhanh chóng khắc phục số diện tích bưởi bị ảnh hưởng của mưa lũ và đang hướng đến vụ những bưởi đặc sản Đại Minh thắng lợi trong thời gian tới. Vui nhất là những vườn bưởi không bị ảnh hưởng vẫn lúc lỉu quả thơm chờ chính vụ vào tháng 11 năm nay.
Hoài Văn