Sản xuất công nghiệp ở TP Yên Bái: Những vướng mắc cần tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2007 | 12:00:00 AM

YBĐT - Những tháng đầu năm 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn: thị trường biến động, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào như xăng, dầu tăng cao, thiếu điện... nhưng sản xuất CN - TTCN của thành phố vẫn phát triển ổn định, từ giá trị sản lượng đến quy mô sản xuất đều tăng. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 45,1 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2006.

Đồng chí Phạm Thanh Tâm - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái kiểm tra tình hình sản xuất tại Khu công nghiệp tập trung Đầm Hồng. (Ảnh: Thanh Nghị)
Đồng chí Phạm Thanh Tâm - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái kiểm tra tình hình sản xuất tại Khu công nghiệp tập trung Đầm Hồng. (Ảnh: Thanh Nghị)

Để hoàn thành kế hoạch, ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường tích cực triển khai đề án phát triển CN - TTCN của thành phố; ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư và tạo cơ chế thuận lợi như: miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nghề, quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính; phối hợp với Trung tâm Khuyến công, Tư vấn đầu tư công nghiệp tỉnh triển khai các nội dung khuyến công theo kế hoạch.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn còn những vấn đề cần sớm khắc phục để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Hiện nay, thành phố có 25 cơ sở chế biến gỗ, giá trị sản lượng ước đạt 5,7 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Minh, cán bộ Phòng Công nghiệp thành phố cho biết: "Sở dĩ ngành chế biến lâm sản phát triển mạnh là do gần đây phong trào trồng rừng của các địa phương phát triển mạnh, nguồn nguyên liệu dồi dào đã kích thích sự phát triển của ngành chế biến". Song, sự phát triển tự phát không có quy hoạch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế là đã có nhiều cơ sở chế biến vừa mới hoạt động được vài tháng đã phải ngừng sản xuất bởi không tìm được đầu ra. Cùng với đó là việc tranh mua nguyên liệu giữa các cơ sở, giá cước vận chuyển cao... làm tăng giá đầu vào dẫn đến sản xuất kinh doanh không có lãi.

Khu công nghiệp Đầm Hồng được khởi công xây dựng đầu năm 2003 với diện tích quy hoạch giai đoạn I là 6 ha; đã qua hơn ba năm hoạt động nhưng đến nay mới thu hút được 9 doanh nghiệp vào đầu tư với tổng số vốn trên 18 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm 20% tổng vốn đầu tư CN - TTCN toàn thành phố. Mặc dù được coi là khu công nghiệp trọng tâm nhưng có rất nhiều công ty, doanh nghiệp chưa thực sự "mặn mà" với việc vào đây. Có nhiều doanh nghiệp xin đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp như: Công ty TNHH Đại Sơn, Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, Công ty cổ phần Tư vấn xây lắp công nghiệp và dân dụng (Hà Nội)... nhưng chưa có mặt bằng. Và có những doanh nghiệp không chờ được đã đầu tư vào địa điểm khác.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là: khâu quy hoạch tổng thể đã có nhưng chưa thật chi tiết, không chủ động được về mặt bằng cho thuê; doanh nghiệp muốn vào đầu tư nhưng khi triển khai dự án lại phải tự san tạo mặt bằng, trong khi vốn hỗ trợ của thành phố lại chậm; việc đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường, điện, nước không đồng bộ... Một vấn đề nữa là hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, không đủ sức vào khu công nghiệp; công tác khuyến công, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề chưa kịp thời. Đặc biệt trong khâu giải quyết thủ tục hành chính còn "vòng vo" và nhiều thủ tục rườm rà, chậm.

Để sản xuất CN - TTCN phát triển vững chắc, thời gian tới, thành phố cần triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành. Việc mở rộng cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng là hết sức cần thiết bởi không chỉ giúp sản xuất phát triển mà còn bảo vệ tốt môi trường, do vậy thành phố cần sớm hoàn tất thủ tục lập và duyệt dự án tổng thể (điều chỉnh, mở rộng) để từ đó phân kỳ đầu tư hàng năm. Có làm được như vậy mới tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển CN - TTCN của địa phương.

Anh Dũng

Các tin khác
Thiếu nữ Mông ở xã Kiên Thành (Trấn Yên).

YBĐT - Trở lại bản Đồng Ruộng, xã vùng cao Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái), sau những cơn mưa rào, khiến cho con đường vào với bản dài chưa đầy chục cây số vốn đã gập ghềnh đèo dốc, giờ lại trật ra những hòn đá cuội lớn nhỏ, lởm chởm. Suối Rào hiền hòa là vậy, giờ đục ngầu chảy cuồn cuộn. Loay hoay mất gần 2 giờ đồng hồ và phải nhờ tới sự giúp sức của mấy thanh niên người Mông đi chợ huyện về cùng đường, chúng tôi mới thoát qua được 4 đoạn suối chắn ngang.

YBĐT - Những năm trước đây, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã Tân Phượng(Lục Yên- Yên Bái) chủ yếu dựa vào cây lúa một vụ nên đời sống rất khó khăn. Sự đổi thay của bà con ở đây chỉ được bắt đầu từ những năm 1994 - 1997, khi xã tập trung chuyển đổi canh tác cấy lúa từ 1 vụ lên 2 vụ.

Công nhân Chi nhánh Điện thành phố duy tu bảo dưỡng đường điện.

YBĐT - Nhằm đảm bảo cho nhu cầu cung cấp điện ổn định, Chi nhánh Điện thành phố duy trì tốt công tác kiểm tra, thay công tơ định kỳ, cải tạo xoá bán tổng, phát triển khách hàng mới. Từ đầu năm tới nay, đã thực hiện thay 1200 công tơ một pha, vượt 694 chiếc so với kế hoạch và thay 60 công tơ 3 pha, vượt 113 chiếc so với kế hoạch.

Đến năm 2010, Trấn Yên chủ trương trồng mới và trồng cải tạo trên 500 ha chè bằng giống chất lượng cao.

YBĐT - Là huyện thuần nông, ngoài lúa là cây kinh tế chủ lực, những năm gần đây huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chú trọng đầu tư phát triển, nâng cao diện tích cũng như giá trị kinh tế của cây chè. Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 19 xác định: chè không chỉ là cây kinh tế mũi nhọn mà còn là cây thoát nghèo, cây làm giàu của người dân trong huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục