Gắn lợi ích của dân với rừng

Chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao để phù hợp với từng loại rừng, liên tục mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, từ đó cải thiện hiệu quả cho sự cân bằng của hệ sinh thái và tạo sinh kế cho người dân. Lợi ích mang lại từ rừng ở Yên Bái với mục tiêu “Người trồng rừng phải sống được từ rừng” để rừng phát triển ngày càng bền vững.
Thay đổi tư duy phát triển rừng
Từ nhiều năm qua, ngoài việc làm tốt công tác quy hoạch và phân định ranh giới 3 loại rừng, tỉnh Yên Bái thay đổi tư duy trồng rừng bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các giống cây có giá trị kinh tế cao theo hướng đa mục tiêu, quy hoạch vùng trồng rừng tập trung, phù hợp với từng loại rừng và thổ nhưỡng từng địa phương. Hỗ trợ người trồng rừng cải thiện chất lượng giống, áp dụng các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến, hình thành cơ chế phát triển lâm nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái Nguyễn Thái Bình cho biết, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các cơ chế, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vận động và khuyến khích người dân kéo dài chu kỳ khai thác để phát triển rừng cây gỗ lớn, gia tăng sản lượng, chất lượng nguồn gỗ nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến, mang lại nguồn thu ngày càng cao cho người trồng rừng.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thay thế các loại cây lâm nghiệp hiệu quả kinh tế thấp bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao đối với rừng kinh tế. Nhiều loại cây lâm nghiệp kém hiệu quả như bạch đàn, mỡ, bồ đề, chẩu... đã dần được thay thế bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, măng tre bát độ, sơn tra, mắc ca, chè Shan tuyết, thảo dược... 
Cây quế đã giúp nhiều hộ dân huyện Văn Yên vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Huyện Văn Yên là một ví dụ điển hình, toàn huyện hiện có trên 90 nghìn ha đất rừng, trong đó có 15,3 nghìn ha rừng đặc dụng; hơn 15,1 nghìn ha rừng phòng hộ và trên 57 nghìn ha rừng kinh tế. Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu trồng rừng kinh tế, đến nay diện tích trồng quế thay thế các cây lâm nghiệp truyền thống trên địa bàn huyện là 52 nghìn ha, chiếm trên 90% tổng số diện tích trồng rừng kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lưu Trung Kiên chia sẻ, cây quế là loại cây bản địa đa mục tiêu, không chỉ có tác dụng tốt cho môi trường sinh thái mà còn là cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi năm cây quế cho sản lượng gỗ trên 50 nghìn m3, 6.000 tấn vỏ quế khô, 400 tấn tinh dầu quế. Hiện nay, quế Văn Yên đã xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia trên thế giới, với 33 loại sản phẩm làm ra từ quế, tổng giá trị đạt hơn 1.000 tỷ mỗi năm. Do vậy, cây quế góp phần giữ vững độ che phủ rừng Yên Bái nhiều năm qua.
Tương tự như cây quế, cây Sơn tra được quy hoạch trồng tập trung tại hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành vùng trồng Sơn tra tập trung khoảng 15 nghìn ha, trung bình cho sản lượng gần 5 nghìn tấn quả, mang về thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho người trồng. Từ lâu, rừng Sơn tra đã trở thành một sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong thời gian ra hoa đến khi thu hoạch.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành nhiều vùng trồng rừng tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ lấy gỗ mà còn giúp người nông dân hưởng hoa lợi trong suốt vòng đời của cây trồng. Toàn tỉnh hiện có trên 80 nghìn ha quế, gần 6 nghìn ha tre Bát Độ, hơn 3,5 nghìn ha chè Shan tuyết.... Nhờ thay đổi tư duy phát triển rừng, tỉnh Yên Bái đang nhân rộng hàng chục mô hình trồng thảo dược dưới tán rừng phòng hộ; trồng bổ sung hàng triệu cây bản địa như Pơ mu, Lim xanh, Thông mã vĩ, Vối thuốc... để nâng cao chất lượng rừng đặc dụng.
Gắn lợi ích thiết thực với rừng
Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Vũ Lê Trung Anh khẳng định: "Không có lực lượng nào trồng và bảo vệ rừng tốt hơn người dân sở tại, muốn vậy phải tạo sinh kế cho họ và họ phải là người được hưởng lợi đầu tiên từ rừng. Hiểu một cách đơn giản, khi rừng nuôi sống con người thì sẽ không ai phá rừng, chính người dân sẽ bảo vệ, trồng rừng hiệu quả nhất. Qua thực tiễn cho thấy, phát triển rừng bền vững dựa vào cộng đồng, dựa vào người dân là chủ trương hết sức đúng đắn, hợp lòng dân”.
Thống kê cho thấy, tỉnh Yên Bái có diện tích rừng và đất lâm nghiệp đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng 215 nghìn ha, chia theo 4 lưu vực sông, suối chính trên địa bàn 8 huyện, thị, trải rộng trên 104 xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Do vậy, đối tượng được chi trả rất lớn, gồm: 409 cộng đồng dân cư thôn, bản nhận khoán với trên 15,5 nghìn hộ tham gia bảo vệ rừng và 14 chủ rừng, với tổng số tiền chi trả là 122 tỷ đồng trong năm 2024 từ hơn 90 cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
Hằng năm, tỉnh Yên Bái trồng bổ sung hàng vạn cây bản địa như Pơ mu, Lim xanh, Thông mã vĩ, Vối thuốc... để nâng cao chất lượng rừng đặc dụng tại huyện Trạm Tấu.
Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giảm mạnh, người dân hiểu rõ được lợi ích từ việc nâng cao chất lượng rừng. Từ đó, tạo mối liên kết, cộng đồng trách nhiệm của chủ rừng với đơn vị sử dụng môi trường rừng,góp phần giảm ngân sách Nhà nước cho phát triển rừng.
Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái xây dựng thành công nhiều khu vực trồng dược liệu tập trung dưới tán rừng qua cơ chế liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, được ứng dụng kỹ thuật tiến tiến từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn GACP - WHO. Điển hình các loại thảo dược như: thảo quả, lá khôi tía, đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, sa nhân, sả, gừng, nghệ...
Dưới góc độ doanh nghiệp chế biến, ông Đỗ Bảo Long, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái chia sẻ, mô hình liên kết để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở Yên Bái đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia, nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng. Đồng thời, gắn bảo vệ và phát triển rừng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn nguồn cây dược liệu quý hiếm.
Hiện nay công tác quản lý, bảo vệ rừng giờ không còn là trách nhiệm riêng của ngành Kiểm lâm, việc phát triển bền vững các loại rừng ở Yên Bái luôn được gắn chặt với cuộc sống của người dân trồng rừng; nhiều cơ chế, chính sách không chỉ nâng cao chất lượng, tăng diện tích rừng mà còn mang lại nhiều lợi ích trực tiếp, thiết thực cho người trồng rừng. Tại nhiều khu vực có diện tích rừng tập trung, người dân làm rừng ở Yên Bái đã sống được từ rừng, bằng nghề rừng.
Đức Toàn

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cất nóc 2 tòa nhà thuộc dự án NOXH Golden Square Lào Cai

Cất nóc 2 tòa nhà thuộc dự án NOXH Golden Square Lào Cai

Ngày 5/7, Lễ cất nóc dự án Nhà ở xã hội (NOXH) Golden Square Lào Cai đã diễn ra, đánh dấu cột mốc quan trọng hành trình kiến tạo không gian sống chất lượng; góp phần hiện thực hóa mục tiêu an cư cho người lao động, cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách tại địa phương.

Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán

Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6-2025 ước đạt 176,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Công ty TNHH MTV Tân Phú khẩn trương khắc phục sự cố thuỷ lợi sau mưa lũ

Công ty TNHH MTV Tân Phú khẩn trương khắc phục sự cố thuỷ lợi sau mưa lũ

Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày đầu tháng 7 đã làm sạt lở, hư hỏng hơn 70 công trình thủy lợi khu vực các xã thuộc huyện Lục Yên cũ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng trăm hộ dân. Công ty TNHH MTV Tân Phú đang huy động mọi lực lượng khắc phục sự cố sớm ổn định nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.

fb yt zl tw