Bền bỉ gắn bó với cây quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2025 | 9:07:16 AM

YênBái - Một buổi sáng tháng Tư, khi ánh nắng vừa kịp xuyên qua tán rừng quế tại thôn 5, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Huân - người phụ nữ đã dành gần nửa đời người gắn bó với những đồi quế bạt ngàn.

Vợ chồng chị Trần Thị Huân kiểm tra việc đóng gói sản phẩm quế tại xưởng.
Vợ chồng chị Trần Thị Huân kiểm tra việc đóng gói sản phẩm quế tại xưởng.

Sinh năm 1972 trong một gia đình thuần nông ở thôn 5, xã Thành Thịnh -  trước đây là xã Đào Thịnh, chị Huân từ nhỏ đã quen với nhịp sống của ruộng đồng, nương rẫy. Học hết phổ thông, chị ở lại quê, theo chồng dựng xây cuộc sống gia đình. Những năm đầu lập nghiệp, chị và chồng miệt mài với cây lúa, cây sắn, cây ngô, trồng rừng… nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng, bữa no bữa đói. 

Cũng như bao người nông dân thời bấy giờ, điều duy nhất chị có là đôi bàn tay, sự chăm chỉ và khát khao vươn lên thoát nghèo. Năm 2000, sau nhiều lần bàn bạc với chồng và tìm hiểu các mô hình sản xuất hiệu quả, chị nghĩ đến cây quế - một loại cây trồng đã và đang khẳng định vị thế và có giá trị kinh tế ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thời điểm đó, địa phương cũng vừa bắt đầu khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng quế. Không chỉ học hỏi qua sách báo, tivi, chị còn trực tiếp đến gặp cán bộ Hội Nông dân xã để tham khảo kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế. 

Với chị Huân "Chưa biết thì hỏi, chưa rõ thì học, chưa làm thì thử” - đó chính là phương châm bắt đầu cho hành trình phát triển kinh tế rừng. Ban đầu, chị mạnh dạn trồng thử 2 ha quế. Dù còn bỡ ngỡ, kỹ thuật chăm sóc chưa bài bản nhưng sự cần cù và tinh thần cầu thị đã giúp gia đình chị sớm nắm bắt được đặc tính của cây trồng này. Cây quế lớn nhanh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, ít sâu bệnh. Thấy hiệu quả, chị tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế. 

Đến nay, sau hơn 20 năm bền bỉ, diện tích rừng quế của gia đình chị đã lên tới hơn 15 ha. Không dừng lại ở việc trồng và bán nguyên liệu thô như nhiều hộ khác, chị Huân luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế, giúp gia đình thoát nghèo bền vững đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương. 

Năm 2010, chị quyết định đầu tư mở xưởng chế biến quế tại gia đình, tập trung sơ chế các sản phẩm quế thô như vỏ quế lát, quế ống, quế thanh để bán cho các doanh nghiệp lớn như Công ty Sơn Hà, Công ty Ô Lam ở huyện Văn Yên. 

Lúc đầu chỉ với vài lao động, vài tạ quế mỗi ngày, đến nay xưởng chế biến quế của chị đã phát triển mạnh với công suất khoảng 800 tấn mỗi năm, bao gồm cả sản lượng quế khai thác của gia đình và thu mua từ bà con trong vùng. Thu nhập từ chế biến và bán quế mang lại cho gia đình chị khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm - một con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ nông dân. 

Không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, xưởng quế của chị còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đây không chỉ là con số mà còn là sự sẻ chia, là cái tâm của người biết lo cái ăn, cái mặc cho người khác. Ngoài cây quế, chị còn duy trì nuôi lợn, nuôi gà, đào ao nuôi cá, canh tác lúa nước để tạo thêm nguồn thu nhập, phát huy thế mạnh sản xuất tổng hợp ở nông thôn. Mảnh đất từng khô cằn sỏi đá, giờ đã trở thành khu trang trại trù phú, xanh mướt, ngát hương.

Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, chị Huân còn sống chan hòa, gắn bó mật thiết với cộng đồng. Chị luôn tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ quỹ xóa nhà dột nát, hỗ trợ hội viên nghèo thiếu tư liệu sản xuất đến các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương. Trong các đợt vận động hiến đất mở đường, gia đình chị sẵn sàng gương mẫu đi đầu, góp tiền, góp công không kể tháng ngày. "Đường có rộng thì xe mới vào được xưởng, hàng hóa mới lưu thông, dân mình mới có điều kiện giao thương” - chị Huân nói giản dị như chính cách chị sống và làm việc suốt bao năm qua. 

Ông Vũ Viết Đồng - Chủ tịch HND xã Thành Thịnh nhận xét: "Chị Trần Thị Huân là tấm gương nông dân điển hình về dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng và phong trào nông dân địa phương. Sự nỗ lực của chị đã góp phần tạo dựng hình ảnh người nông dân năng động, sáng tạo và trách nhiệm”. 

Trước khi chia tay, chị Huân đưa chúng tôi đi dạo quanh khu đồi trồng quế đang vào vụ thu hoạch. Mùi hương quế thoảng nhẹ trong gió, đượm vị ngọt ngào của đất, của trời và hơn hết là mồ hôi, công sức, khát vọng vươn lên của người phụ nữ này. Mỗi cây quế chứa đựng một câu chuyện, một minh chứng cho nghị lực, cho tinh thần vượt khó vươn lên của một người nông dân chân chất mà phi thường. Trần Thị Huân - cái tên giờ đây không chỉ gắn liền với thương hiệu quế Trấn Yên mà còn là biểu tượng cho một thế hệ nông dân mới: Tự tin - Sáng tạo - Bền bỉ - Nghĩa tình.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hơn hai thập kỉ, năm 2022, chị Trần Thị Huân đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Ngoài ra, chị còn nhiều lần được HND tỉnh, huyện Trấn Yên, xã Thành Thịnh tặng giấy khen vì có thành tích trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Với chị, phần thưởng lớn nhất chính là sự ổn định, hòa thuận trong tổ ấm nhỏ của mình. Hai người con trai của chị hiện đều đã trưởng thành, có công việc ổn định, là chỗ dựa tinh thần lớn lao giúp chị thêm vững bước trên con đường đã chọn.

Ngọc Sơn

Tags Trấn Yên Thành Thịnh Trần Thị Huân

Các tin khác
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên.

Trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước, nông dân không chỉ là lực lượng sản xuất chủ lực mà còn là trung tâm, chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy của hội viên nông dân (HVND).

Công ty cổ phần Nuôi trồng và Chế biến Thủy sản Việt Nam triển khai thả cá giống trên hồ Thác Bà.

Hồ Thác Bà - "Vịnh Hạ Long trên núi" không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nguồn tài nguyên thủy sản quý giá của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nhằm khai thác bền vững và phát huy tiềm năng thủy sản trên hồ.

Bà Trần Thị Phương, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc kiểm tra, chăm sóc vườn rau của gia đình.

Xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, từ lâu đã được biết đến là vùng trồng rau màu lớn nhất của tỉnh với diện tích trên 100 ha. Hằng năm, Tuy Lộc cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau xanh. Trong trận lũ lịch sử tháng 9 năm 2024, gần như toàn bộ diện tích rau màu của xã đã bị chìm trong biển lũ khiến cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh lao đao. Song, đến nay, nhờ ý chí, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn thể cấp ủy, chính quyền và nhân dân, những cánh đồng nay đã phủ kín màu xanh.

Nếu thế giới không chia sẻ trách nhiệm và lợi ích một cách công bằng thì sẽ không thể đòi hỏi các quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục