Văn Yên nối những mùa vàng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tháng 9, ánh nắng giữa thu càng tô thêm sắc vàng rực rỡ của những cánh đồng lúa chín. Nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái)đang vào vụ thu hoạch rộ để lấy đất gieo trồng vụ đông.

Nông dân huyện Văn Yên thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Thanh Phúc)
Nông dân huyện Văn Yên thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Thanh Phúc)

Chủ tịch UBND huyện Trần Thế Hùng không giấu nổi niềm vui vì sản xuất nông nghiệp huyện nhà thắng lợi cả chiêm lẫn mùa. Vụ chiêm xuân, nhiều địa phương thất bát thì năng suất lúa của Văn Yên vẫn đạt khá, còn vụ mùa này thì "bội thu" cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản lượng. Chia sẻ niềm vui với nông dân Văn Yên khi được biết vụ lúa mùa năm 2007 toàn huyện gieo cấy 2827 ha lúa, bằng 104% kế hoạch giao; Nghị quyết HĐND huyện phấn đấu năng suất bình quân là 49,6 tạ/ha và tăng nhanh diện tích gieo cấy bằng giống chất lượng cao để sản xuất lúa hàng hóa.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện, các ngành trong khối nông lâm nghiệp đã sớm xây dựng và triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm chỉ đạo bà con cấy hết diện tích trong khung thời vụ đã định và sử dụng cơ cấu giống hợp lý với các biện pháp thâm canh. Từ tháng 5, các cán bộ kỹ thuật đã tỏa về cơ sở mở được 85 lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, chỉ đạo làm đất, tiết kiệm nước và tuân thủ lịch gieo cấy, theo đó 1500 ha đất sẽ được gieo cấy trà mùa sớm để dành đất làm đông (cấy xong trước 30/6/2007), trà chính vụ gieo cấy xong trước 25/7.

Theo anh Nguyễn Trung Hiền - Trưởng phòng Kinh tế huyện thì: "Trình độ thâm canh của nông dân Văn Yên đã khá hơn trước rất nhiều, ngoại trừ một bộ phận đồng bào vùng cao như: Mỏ Vàng, Nà Hẩu... Chính vì thế, bà con đã biết cách làm đất tốt, đầu tư phân bón, biết giữ nước và gieo cấy đúng thời vụ, việc hướng dẫn kỹ thuật chủ yếu do đội ngũ khuyến nông viên phụ trách, còn lại anh em cán bộ kỹ thuật tập trung vào các thôn bản vùng sâu, vùng xa".

Vụ này Văn Yên lại được mùa, năng suất 50 tạ/ha, nhiều gia đình ở những vùng trọng điểm lúa như An Thịnh, Đại Phác, Mậu Đông, Lang Thíp... năng suất còn cao hơn nữa, điều này ai cũng phấn khởi. Nhưng người ta đã có câu "Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi", vụ mùa này ở Văn Yên cũng không phải là một ngoại lệ. Đầu vụ gần 200 ha lúa bị hạn, nặng nhất là hai xã Yên Hợp, An Phú.

Trước khó khăn ấy, bà con đã chủ động nạo vét mương phai, đắp bờ giữ nước, những chân ruộng cao thì tổ chức bơm tát để gieo cấy và cứu lúa. Sau hạn hán là sâu bệnh. Do diễn biến phức tạp của thời tiết nên vụ này sâu bệnh phá mạnh, tập trung nhất vào giữa và cuối vụ với hai loại là rầy nâu, sâu cuốn lá và bệnh khô vằn, có thời điểm toàn huyện có tới gần 1000 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh. Các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con tích cực thăm đồng phát hiện sớm những thửa ruộng nhiễm sâu bệnh để tổ chức phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm... Chính vì thế, tình trạng sâu bệnh đã được khống chế kịp thời, không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đến cuối tháng 9, toàn huyện Văn Yên đã thu hoạch được 1300 ha mùa sớm, năng suất bình quân đạt 49,8 tạ/ha (trong đó lúa lai đạt 55 tạ/ha, lúa chất lượng cao đạt từ 42 đến 43 tạ/ha).

"Nhà nông sớm lúa, chiều ngô" là câu ca của nhà nông. Với người Văn Yên cũng vậy, câu chuyện gặt lúa còn rất sôi nổi thì mọi người đã bàn tới chuyện làm màu. Vụ đông đang trở thành vụ chính, trở thành tập quán sản xuất của bà con nông dân. Theo kế hoạch, vụ đông năm 2007 toàn huyện phấn đấu gieo trồng 1400 ha cây vụ đông trên đất hai lúa, trong đó có 1000 ha ngô. Vừa qua, Chủ tịch UBND huyện đã ra Chỉ thị số 10 yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông giành thắng lợi toàn diện, làm có chất lượng và hiệu quả thực sự, không làm theo phong trào, toàn huyện hoàn thành việc gieo trồng cây vụ đông trước ngày 5/10/2007... Đến nay Văn Yên đã kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông, cung ứng đầy đủ giống, trong đó hỗ trợ 10 nghìn đồng/kg hạt giống ngô với các giống chủ lực gồm C919, CP989, B06, LVN4; các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con thu hoạch lúa mùa sớm tới đâu làm đất xuống giống ngay tới đó, trường hợp không chủ động được thời gian thì gieo ươm trong bầu.

Đại - Phú - An là vùng trọng điểm lúa của huyện Văn Yên, con đường bê tông vốn bằng phẳng và rộng là vậy mà hôm nay chật những đống lúa to lù lù, những con trâu mộng béo tròn gò mình kéo xe rơm, xe thóc về thôn, những chiếc máy tuốt phun rơm như vòi rồng. Anh Trần Quyết đang cùng vợ con cắt rạ trên thửa ruộng mới gặt, bảo: "Gặt xong chiều qua rồi, cấy toàn lúa Chiêm Hương, năng suất được khoảng 170 kg/sào. Sáng nay phơi thóc ra sân xong cả nhà ra đồng làm đất vụ đông. Nhà tôi có mấy sào ruộng, chỉ để lại một ít làm rau ăn, còn lại trồng ngô hết". Nói rồi anh khua tay một vòng: "Giờ này tháng sau cả cánh đồng này lại xanh rì toàn ngô thôi". Cánh đồng Đại - Phú - An được phủ kín bằng ngô đông, chuyện này không mới vì ở đây bà con ít nghề phụ, thiếu đất canh tác và trình độ thâm canh cao.

Ở Đông Cuông thì sao? Tôi tự đặt câu hỏi như vậy vì từ nhiều năm qua chỉ tiêu làm đông ở Đông Cuông khó hoàn thành - Nói như chủ tịch UBND xã Đông Cuông thì: "Không phải bà con mình lười, nhưng vụ đông lại đúng vào lúc nhân dân trong xã  thu hoạch, chế biến sắn". "Năm nay khác rồi" - bác Hòa ở thôn Gốc Đa, xã Đông Cuông quả quyết vậy và giải thích thêm: "Năm nay xã, thôn chỉ đạo quyết liệt lắm. Vả lại vụ đông năm nay đến trước thời điểm thu sắn nên bà con dư thời gian". Nói rồi, bác lội xuống ruộng gặt lúa, lúa tốt bời bời trên đồi xanh thẫm sắn cao sản. Chắc hẳn dân Đông Cuông được mùa lúa, vui vụ sắn, thắng vụ ngô trong năm 2007 này.

Chia tay Văn Yên khi trên những cánh đồng vàng bà con vẫn thoăn thoắt tay liềm tay hái, chương trình dự báo thời tiết của đài phát thanh lại báo bão, cơn bão số 4 có hướng di chuyển theo hướng tây - tây bắc. Văn Yên và nhiều địa phương khác, việc thu lúa, trồng màu ít nhiều cũng ảnh hưởng. Nhưng làm nông nghiệp là thế.     

 Lê Phiên

Các tin khác
Dây chuyền làm chè héo của CTCP chè Phú Tân, xã Tân Thịnh. (Ảnh Thu Trang)

YBĐT - Văn Chấn (Yên Bái) không có nhiều tài nguyên khoáng sản, cũng chẳng phải là “vùng đất hứa” cho các nhà đầu tư nhưng đã có hướng đi, cơ chế chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế, khai thác tốt tiềm năng để phát triển CN - TTCN. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thành lập ngày một nhiều, từ vùng thấp đến vùng cao, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chế biến chè, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng.

YBĐT - Là một trong những tỉnh thành trong cả nước sớm triển khai thực hiện chương trình khí sinh học bioga, sau gần 2 năm triển khai đến nay tỉnh Yên Bái đã hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng gần 450 công trình hầm khí bioga. Điều đáng mừng là chương trình này đang phát huy hiệu quả tốt trong đời sống sinh hoạt của người dân, tác động làm chuyển biến nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi sinh của cộng đồng.

YBĐT - Trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao giá trị trên mỗi héc-ta canh tác luôn là vấn đề trăn trở của các địa phương. Huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có cách làm rất cụ thể, làm chắc và hiệu quả, sản xuất gắn với chế biến và thị trường.

YBĐT - Thời gian qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái (BIDV-Yên Bái) đã từng bước triển khai chương trình đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ và hiện đại hoá hệ thống nghiệp vụ phục vụ khách hàng, trong đó có việc đầu tư hơn 3 tỷ đồng lắp đặt bốn máy rút tiền tự động và phát hành thẻ ATM. Sự mạnh dạn đầu tư của BIDV-Yên Bái rất phù hợp với tiến trình phát triển nói chung và Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục