Phát huy hiệu quả nguồn vốn
- Cập nhật: Thứ tư, 17/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong sản xuất kinh doanh và xoá đói giảm nghèo, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện cần thiết tạo nên hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Đối với huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, nhu cầu về vốn của các hộ nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.
Nguồn vốn ngân hàng đầu tư trồng rừng đầu nguồn và khai hoang ruộng nước ở Mù Cang Chải.
|
Để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các hộ nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều năm qua Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (No &ø PTNT) huyện đã làm tốt công tác huy động vốn trên địa bàn và cho vay vốn đạt hiệu quả kinh tế cao. 9 tháng qua, cán bộ nhân viên trong Chi nhánh luôn bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng No & PTNT cấp trên, của cấp uỷ và chính quyền địa phương, hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ được cấp trên giao.
Ngân hàng đã có nhiều biện pháp huy động vốn trong các thành phần kinh tế, làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh tiếp thị; mở rộng và đa dạng hoá các hình thức huy động vốn trong các đơn vị, tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị quốc phòng trên địa bàn huyện; nâng cao chất lượng các dịch vụ huy động vốn, tổ chức tốt công tác chi trả tiền gửi tiết kiệm đảm bảo nguyên tắc và quyền lợi của khách hàng. Cán bộ Ngân hàng đến tận các thôn bản của các xã Mồ Dề, Kim Nọi, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Lao Chải, Hồ Bốn...vận động các hộ người Mông bán trâu, bò, ngựa...gửi vào tiết kiệm, để khi gia đình có việc cần thiết thì có nguồn tiền tiết kiệm. Đến đầu tháng 10 nguồn vốn ngân hàng tự huy động là 43 tỷ 408 triệu đồng, đạt 114,2% kế hoạch, so với đầu năm tăng 28,4%, trong đó, tiền gửi tiết kiệm của cán bộ và nhân dân địa phương là 8 tỷ 963 triệu đồng, so với đầu năm tăng 85,4%.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế của huyện Mù Cang Chải đã có sự chuyển biến tích cực, thể hiện trong nguồn vốn huy động từ trong nội huyện và nhu cầu về vốn của các thành phần kinh tế. Hoạt động tín dụng phát triển khá đều ở cả khu vực thị trấn Mù Cang Chải cũng như các xã vùng sâu vùng xa như: Chế Tạo, Nậm Có, Nậm Khắt...
Theo Giám đốc Ngân hàng No & PTNT huyện Đinh Trọng Huynh: Giải pháp thúc đẩy công tác tín dụng trước hết vẫn là công tác cán bộ tín dụng địa bàn, sâu sát người lao động và các nhu cầu vốn đầu tư trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; từng bước nâng cao chất lượng tín dụng và đa dạng hoá, không ngừng mở rộng tín dụng, đồng thời tiến hành phân tích thực trạng dư nợ và tình hình kinh tế từng vùng từng địa phương để đầu tư vốn tín dụng một cách phù hợp có hiệu quả; bám sát các nghị định của Chính phủ, các thông tư của ngành và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng No&PTNT cấp trên. Phân công giao nhiệm vụ cho cán bộ một cách hợp lí ,duy trì tốt công tác giao khoán theo Quy chế khoán 195 của Ngân hàng No&PTNT tỉnh. Đặc biệt là bám sát các nghị quyết của Ban thường vụ Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện về mục tiêu phát triển kinh tế hàng năm để tổ chức điều tra, thẩm định, giải ngân cho vay đến hộ sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, an toàn, tăng dư nợ một cách đáng kể, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh trong tất cả các thành phần tổ chức kinh tế trên địa bàn huyện.
Tổng dư nợ cho vay các thành phần đơn vị kinh tế 15 tỷ100 ngàn đồng, so với đầu năm tăng 33,6%; trong đó dư nợ cho vay vùng II + III là 8,6 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ. Vốn tín dụng được đầu tư tới 100% số xã và trị trấn, tập trung cho vay dự án trồng và cải tạo vùng chè khu vực xã Púng Luông 20 ha, cho 9 hộ vay 163 triệu đồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và nhiều tỷ đồng để các hộ nông dân mua trâu, bò, ngựa, lợn giống , phân bón ...thâm canh cây trồng vật nuôi.
Cán bộ nhân viên có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, mua xe máy, hoặc làm nhà cửa đều được Ngân hàng phục vụ kịp thời, từng bước đưa dư nợ bình quân một cán bộ viên chức tăng dần trong từng thời gian theo hướng lấy hiệu quả, chất lượng kinh doanh tín dụng làm mục tiêu chính; dư nợ bình quân một cán bộ nhân viên năm là 2 tỷ 500 triệu đồng, tăng so với cùng kì năm trước là 36,4%. Ngân hàng còn tích cực phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tiến hành xử lý thu hồi nợ xấu, nợ đến hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh, đến nay dư nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ.
Các dịch vụ trong hoạt động kinh doanh như: dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán...trong nền kinh tế được cán bộ của Chi nhánh phục vụ kịp thời và luôn đảm bảo an toàn các hoạt động quản lí về tài sản, tài chính, hạn chế tiêu cực xẩy ra...
Lấy phương châm “Ngân hàng phát triển, khách hàng phát tài”, phát huy kết quả đạt được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Mù Cang Chải tiếp tục mở rộng đầu tư cho vay đối với mọi khách hàng có đủ điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, là người bạn đồng hành của mọi nhà, mọi tổ chức kinh tế- xã hội, góp phần phát triển kinh tế và đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo ở huyện vùng cao.
Hồng Quân
Các tin khác
YBĐT - Xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tổng diện tích tự nhiên gần 89.000 ha, những năm 1987-1988, rừng chiếm đến 2/3 tổng diện tích.
YBĐT - Những năm qua, cơ cấu kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có sự chuyển biến tích cực và rõ nét, góp phần cải thiện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của 2.745 hộ nông dân.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, theo tiêu chí mới toàn tỉnh có 34,8% hộ nghèo; ở các xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ hộ nghèo là 58%; riêng các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ này là 70 - 80%, có xã trên 90%. Chính vì thế, một số chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn đã giúp họ giảm bớt khó khăn, ổn định và nâng cao đời sống…
YBĐT - Dù đã nhiều lần đến với Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng lần này đến nơi đây, trong tôi vẫn có một cảm giác lạ thường… Người Mông đi thu hoạch lúa như đi hội, và họ đã đưa máy tuốt ra tận ruộng. Trên các nẻo đường, bà con đang gùi giống cây lên đồi để trồng rừng, trồng chè Shan.