Khí hậu Mù Cang Chải được chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đồng bào Mông chiếm tới trên 90% dân số toàn huyện và chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với tập quán đốt nương làm rẫy có từ lâu đời. Vì thế nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn vào mùa khô luôn ở mức cao. Xác định sự nghiệp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là của toàn Đảng, toàn dân nên Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác này.
Mùa khô hanh năm 2006 - 2007, do diễn biến thời tiết phức tạp, kèm theo gió Lào, chỉ số dự báo cấp phòng cháy luôn ở cấp 5 cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh. Cũng chính vì vậy, ngay từ cuối quí III năm 2006 Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) từ huyện đến cơ sở và xây dựng kế hoạch PCCCR mùa khô hanh 2006 - 2007.
Thường trực Ban chỉ huy PCCCR cũng phân công nhiệm vụ cho các thành viên xuống xã cùng các cấp uỷ, chính quyền cơ sở chỉ đạo và triển khai công tác PCCCR, nhất là ở những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; xây dựng phương án PCCCR, củng cố và kiện toàn 14 ban chỉ huy ở 13 xã, thị trấn gồm 235 thành viên. Các xã cũng thành lập được 126 tổ đội xung kích kiểm tra PCCCR gồm 506 thành viên để chủ động bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.
Huyện còn quan tâm xây dựng các công trình phòng cháy như: xây dựng đường băng cản lửa mới 85,9 km; tu sửa đường băng cản lửa cũ 130,5 km; duy trì 2 chòi canh lửa ở xã Púng Luông và Kim Nọi; xây dựng mới 140 bảng tuyên truyền. Hạt Kiểm lâm cũng đóng mới 24 cấp dự báo cháy rừng tại các xã là vùng trọng điểm.
Lực lượng kiểm lâm địa bàn và cán bộ hợp đồng nằm trực tiếp ở xã, bản cùng với UBND xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như PCCCR. Vụ khô hanh vừa qua đã tổ chức học tập ở 116 thôn bản, 10 tổ thị trấn có 5.255 hộ với 25.255 lượt người ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR. Trong thời gian cao điểm tổ chức trực, tuần tra 24/24 giờ để phát hiện kịp thời các vụ cháy và có biện pháp xử lý nhanh chóng với phương châm “Bốn tại chỗ” gồm: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ban chỉ huy huyện cũng chỉ đạo tổ chức tốt cuộc diễn tập PCCCR có một phần thực binh tại xã Kim Nọi đạt kết quả khá. Cũng do nắng nóng, khô hanh kéo dài và sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa không đúng qui định ở trong rừng và ven rừng đã để xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích là 554,4 ha; trong đó có 329,9 ha rừng trồng, 224,5 ha rừng khoanh nuôi tái sinh.
Để giải quyết tận gốc nạn cháy rừng, huyện xác định phải đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế và từng bước đi đến chấm dứt việc đốt nương làm rẫy, xoá đói giảm nghèo, ổn định và từng bước nâng cao đờì sống nhân dân. Trên cơ sở đó, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông lâm nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, rà soát lại công tác giao đất, giao rừng ở cộng đồng thôn bản nhằm xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng trong việc PCCCR.
Mùa khô năm nay (2007 - 2008), phương châm chỉ đạo là “phòng cháy là chủ yếu, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và cương quyết”. Ngay từ bây giờ, Ban chỉ huy PCCCR đã được thành lập và kịp thời rút kinh nghiệm của việc PCCCR mùa khô vừa qua, nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tuyên truyền thường xuyên tới các tầng lớp nhân dân bằng cả 2 thứ tiếng phổ thông và dân tộc. Đồng thời cùng các ngành chức năng xác định nguyên nhân cháy rừng, nhanh chóng tìm ra thủ phạm để xử lý theo pháp luật làm bài học cho mọi người trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên quý của đất nước.
Thế Quynh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu