Khuyến nông - yếu tố quan trọng trong nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiệu quả từ các chương trình, dự án khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn tỉnh Yên Bái. Đội ngũ cán bộ khuyến nông đã trở thành lực lượng tiên phong là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với người sản xuất.

Đẩy mạnh khuyến nông, Yên Bái cơ bản đảm bảo an ninh lương thực. (Ảnh: PV)
Đẩy mạnh khuyến nông, Yên Bái cơ bản đảm bảo an ninh lương thực. (Ảnh: PV)

Trong những năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà có sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất, chất lượng. Từ một tỉnh hàng năm thiếu vài chục ngàn tấn lương thực thì đến nay đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá. Những cánh đồng lúa vàng liên tiếp bội thu, cuộc sống người dân đã bớt phần khó khăn. Thành quả đó không chỉ là của những người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm mà còn có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ khuyến nông, những người đưa các tiến bộ khoa học đến với người sản xuất.

Thực tế nhiều năm về trước, nông dân sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm là chính, cơ cấu giống là lúa địa phương năng suất thấp thì từ năm 1994 tỉnh đã có chương trình cấp 1 hoá giống lúa và đến nay 100% diện tích được gieo cấy bằng giống tiến bộ, trong đó lúa lai đã chiếm 70-75% còn lại là lúa thuần chất lượng lượng cao. Sản lượng thóc tăng thêm do sản xuất bằng giống lúa lai được trên 25 nghìn tấn.

Từ các mô hình thâm canh tăng vụ  ở vùng cao đã đưa sản lượng lương thực tăng thêm 8-10 nghìn tấn một năm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và tăng nguồn thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Đến nay đã có 3.520ha đất ruộng một vụ tại vùng cao được đưa vào sản xuất 2vụ/năm. Nhờ đưa các  giống ngắn ngày và các biện pháp canh tác mới vào sản xuất  nên đã sớm hình thành cơ cấu 3 vụ, sản xuất vụ đông đã trở thành chính vụ ở các huyện vùng thấp. Nhiều nơi đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá cho giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh việc sản xuất lương thực, việc sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao ngày một nhiều. Đáng chú ý là xây dựng các mô hình thâm canh tăng năng suất chè, trồng sắn cao sản, trồng rừng kinh tế...

Cây sắn công nghiệp được triển khai từ năm 2000, sau 5 năm đã hình thành được vùng sắn cao sản bằng giống KM94 theo hình thức canh tác bền vững, sản lượng hàng năm đạt trên 200 nghìn tấn đáp ứng cho chế biến đồng thời qua chương trình phát triển cây sắn đã hình thành được mối liên kết "4 nhà" (Nhà nước- nhà khoa học- nhà nông - doanh nghiệp).

Mô hình cây măng tre Bát Độ, đến nay đã hình thành được vùng sản xuất tập trung với quy mô gần 1.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 50 nghìn tấn, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và đời sống nông dân các huyện Trấn Yên, Yên Bình. Trong chăn nuôi đã hình thành được các mô hình chăn nuôi bán công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đáng chú ý là chương trình cải tạo đàn bò địa phương, từ dự án mỗi năm đã lai tạo được 280-300 con laiaSind F1 nhân giống được 2.500-2.800 con lai F2. Đến nay tỷ lệ con lai F1,F2 trong đàn bò chiếm 42%, hiệu quả chăn nuôi bò tăng 25% so với bò địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống khuyến nông còn bộc lộ những hạn chế như: nguồn nhân lực còn yếu, chưa gắn liền sản xuất với chế biến, hoạt động tiếp cận và cung cấp thông tin thị trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; việc xã hội hoá công tác khuyến nông chưa có lộ trình rõ ràng, chưa có phương thức tiếp cận phù hợp; các chương trình dự án khuyến nông mới chỉ được xây dựng theo kế hoạch hàng năm, chưa có chiến lược hoạt động dài hạn.

Trong xu thế sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO thì sản xuất nông nghiệp cần có những giải pháp phù hợp để cạnh tranh và phát triển. Người nông dân đang đòi hỏi cấp thiết việc được chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao nên trong thời gian tới công tác khuyến nông cần tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường xã hội hoá công tác khuyến nông, xây dựng chương trình khuyến nông trọng điểm và tổng hợp, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến.

Hoạt động khuyến nông cần tiếp tục triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, chuyển dịch đất kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với từng địa phương như: cây dâu tằm, măng tre Bát Độ, cây đậu tương trên đất dốc và xây dựng được chương trình khuyến nông giai đoạn 2007 - 2015.

Văn Thông

Các tin khác
15.545 triệu đồng từ kinh phí địa phương dành cho hoạt động khuyến công.

YBĐT - Ngày 22/11/2007, Sở Công nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác khuyến công 3 năm 2005-2007 và phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008-2015. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội phụ nữ xã An Bình tổ chức lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên.

YBĐT - Cách đây chưa đây chục năm, nhiều gia đình chị em ở xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn thuộc diện hộ đói nghèo. Nhất là vào thời điểm giáp hạt thì nhiều chị em phải đi làm thuê kiếm tiền mua gạo, vay mượn lương thực của bà con trong xã để sinh hoạt chờ thu hoạch lúa.

YBĐT - Nghề sản xuất và chế biến miến đao tại xã Phúc Lộc và Giới Phiên, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có từ khá lâu. Hiện nay, toàn huyện tới 176 hộ tham gia sản xuất miến theo mùa vụ, sản lượng miến hàng năm đạt từ 500 - 700 tấn.

Nhóm kinh tế nông - lâm - thủy sản tăng 5,7%.

YBĐT - Năm 2007, Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh Yên Bái ước đạt 11,6%, là năm thứ hai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số và tăng trưởng đều ở cả 3 nhóm ngành; trong đó: nhóm nông - lâm - thủy sản tăng 5,7%, nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%, nhóm dịch vụ tăng 15,4%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục