Văn Yên được mùa sắn

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vụ sắn năm 2007, nông dân các xã trong huyện Văn Yên (Yên Bái) trồng được 5.850 ha; trong đó, sắn công nghiệp trồng được trên 5.350 ha, tăng trên 1.398 ha so vụ sắn năm trước.

Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.
Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.

Mưa phùn do ảnh hưởng của bão số 7 làm cho đất trên những đồi sắn cao sản mềm hơn, như chiều lòng các hộ nông dân huyện Văn Yên vào vụ thu hoạch sắn. Đi trên tuyến đường Yên Bái - Khe Sang qua các xã Yên Hưng, Yên Thái, Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình... đến đâu chúng tôi cũng gặp bà con đang khẩn trương thu hoạch sắn cao sản.

Trên các ngả đường vào những đồi sắn, cán bộ, công nhân Nhà máy Sắn Văn Yên và các thương lái trong, ngoài tỉnh tấp nập đi thu mua sắn củ cho nông dân, báo hiệu thêm một năm Văn Yên lại được mùa sắn!

Anh Nguyễn Trung Hiền - Trưởng phòng Kinh tế huyện đưa chúng tôi đi thăm những đồi sắn bà con đang thu hoạch, phấn khởi nói: “Chưa năm nào, Văn Yên lại được mùa sắn như năm nay. Từ năm 2004 trở lại đây, năm nào huyện cũng duy trì ổn định diện tích trên 4.000 ha sắn cao sản, sản lượng đạt trên 100 ngàn tấn, bảo đảm đủ nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy chế biến tinh bột Sắn..."

Vụ sắn năm 2007, nông dân các xã trong huyện trồng được 5.850 ha; trong đó, sắn công nghiệp trồng được trên 5.350 ha, tăng trên 1.398 ha so vụ sắn năm trước. Từ đầu tháng 10, bà con một số xã trong huyện đã bắt đầu thu hoạch sắn, bán cho nhà máy và các thương lái. Đến thời điểm này, các hộ dân đã thu hoạch được trên 12% diện tích, năng suất bình quân ước đạt 26,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 146 ngàn tấn.

 

Hiện nay mỗi ngày Nhà máy Sắn Văn Yên cho thu mua từ 180 - 200 tấn sắn cho nông dân đưa vào chế biến.

Dừng chân bên đồi sắn của gia đình ông Chu Văn Co, ở thôn Khe Giềng, xã Quang Minh để tìm hiểu chuyện trồng, tiêu thụ sắn công nghiệp của bà con nông dân trong xã. Ông Co vừa nhổ những khóm sắn lên khỏi mặt đất, vừa kể: “Tôi trồng sắn cao sản, vụ này là vụ thứ 4 rồi. Trước đây, 2 ha đất đồi gia đình chỉ canh tác lúa nương và ngô, năng suất thấp,  ruộng lại ít, nên không đủ lương thực để ăn..".

Từ khi có cây sắn cao sản về Văn Yên, gia  đình ông Co và nhiều hộ khác trong xã đã chuyển sang trồng sắn cao sản, bán cho nhà máy, mỗi năm thu nhập được từ 20- 25 triệu đồng, riêng năm nay, sắn được giá thì cũng thu được trên 30 triệu, trừ chi phí đi lãi được trên 20 triệu.

Vụ sắn năm nay, xã Quang Minh trồng được 630 ha sắn cao sản, năng suất đạt khoảng 21 tấn/ha, sản lượng đạt 11.600 tấn; hầu hết các hộ dân trong xã đều bán cho cán bộ nhà máy về xã thu mua. Nhờ trồng sắn cao sản mà đời sống của nhiều hộ nông dân ở Quang Minh nói riêng và các xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu của huyện Văn Yên đã khá giả hơn. Họ đã mua sắm được ti vi, giường tủ, xe máy; trâu, bò về chăn nuôi... Không chỉ những hộ trồng sắn có đời sống khá giả hơn mà nhiều hộ nông dân làm lò sấy sắn cũng có thu nhập khá cao.

Từ xã Yên Hưng lên tới xã An Bình (theo đường Yên Bái- Khe Sang) phải có tới trên 300 lò sấy sắn khô đang cùng với nhà máy thu mua tiêu thụ sắn củ cho các hộ dân trồng sắn. Chị Hà Thị Ngọ- một chủ lò sấy sắn ở xã Mậu Đông tâm sự: “ Vụ sắn năm 2006, tôi đầu tư lò hơi sấy sắn khô không được nhiều lắm, mỗi ngày chỉ sấy được trên 600 kg sắn tươi. Năm nay, chuyển sang đầu tư lò sấy bằng than hết 10 triệu đồng, hiện nay, mỗi ngày thu mua khoảng từ 3- 4 tấn sắn tươi với giá từ 800- 850 đồng/kg, băm lát sấy bán cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi lên thu mua. Từ đầu vụ đến nay gia đình tôi đã sấy bán được gần 13 tấn sắn khô, trừ chi phí tiền mua than và công băm, sấy sắn mỗi ngày cũng lãi được từ 500- 600 ngàn đồng”.

Với sản lượng dự ước trên 146 ngàn tấn sắn củ tươi, thì vụ sắn năm nay, nông dân ở Văn Yên sẽ có thu nhập từ trồng sắn trên 100 tỷ đồng, đây còn là niềm vui của hàng nghìn hộ nông dân ở Văn Yên vì đã giải quyết được việc làm cho hàng nghìn lao động làm dịch vụ tiêu thụ sắn có thu nhập từ 30- 40 ngàn đồng/ ngày.

Tại Nhà máy Sắn Văn Yên cán bộ, công nhân cũng đang tích cực thu mua sắn về chế biến tinh bột. Anh Bùi Văn Bân- Phó giám đốc Nhà máy cho biết: “Nhà máy bắt đầu thu mua sắn cho bà con nông dân từ ngày 12/10, bình quân mỗi ngày, thu mua cho dân từ 180- 200 tấn củ sắn tươi với giá 800- 870 đồng/kg đưa vào chế biến tinh bột. Hiện nay, Nhà máy đang đầu tư mở rộng thêm 1 dây chuyền nghiền tinh bột sắn trị giá trên 30 tỷ đồng, công suất 100 tấn củ sắn tươi/ngày, dự kiến, tháng 1/2008 sẽ đưa dây chuyền mới vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân...”.

Cây sắn cao sản đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Văn Yên, song đó chỉ là lợi ích trước mắt, còn về lâu dài trồng sắn nếu không kiểm soát tốt quy hoạch sẽ làm cho đất bạc màu, sau này khó có thể trồng được các loại cây khác. Chính vì vậy, huyện Văn Yên đang  nhân rộng mô hình canh tác sắn trên đất dốc và quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không để phải giải bài toán cải tạo đất bạc màu do trồng sắn không kiểm soát được gây ra trong vài năm tới.

Trường Phong

Các tin khác
Toàn tỉnh thu hái trên 70.000 tấn chè nguyên liệu.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, người dân làm chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sản xuất được trên 70.000 tấn chè búp tươi, tăng 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2006, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha.

YBĐT - Mặc dù đầu năm đã xảy ra dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số xã vùng cao thuộc Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, nhưng chăn nuôi trong tỉnh vẫn có sự phát triển khá.

YBĐT - Vụ đông này, trên khắp cánh đồng của xã Minh Tiến (Trấn Yên) đều được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây rau màu ngắn ngày. Trong đó, Minh Tân là một trong 2 thôn của xã có đa số hộ dân chuyên trồng rau xanh cung cấp cho thị trường.

Thu hoạch đỗ tương. (Ảnh Hoàng Nhâm)

YBĐT - Năm 2007, nông dân trong tỉnh đã trồng được 3240 ha đậu tương, tăng 420 ha so với năm 2006.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục