Thị xã Nghĩa Lộ: Thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) được xác định là trung tâm kinh tế nằm trên trục động lực kinh tế phía Tây của tỉnh. Những năm qua, bộ mặt kinh tế - xã hội của thị xã đã có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 13%/năm.
Nông dân xã Nghĩa Phúc thị xã Nghĩa Lộ thu hoạch khoai tây vụ đông trên đất hai vụ lúa.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Từ năm 2005, UBND tỉnh đã phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế - xã hội các huyện thị khu vực miền Tây của tỉnh giai đoạn 2005 - 2010". Đây là cơ hội để Nghĩa Lộ tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của mình.
Ngay sau khi có quyết định thực hiện Đề án, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng điều chỉnh Đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2005 - 2010 với các tiểu đề án cụ thể như: Đề án phát triển làng nghề dân tộc truyền thống gắn với du lịch sinh thái xã Nghĩa An; Đề án quy hoạch phát triển vùng lúa chất lượng cao; Đề án phát triển chăn nuôi bò bán công nghiệp... Đồng thời, xây dựng các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện như: giải pháp về công tác cán bộ; cơ chế chính sách đầu tư; về đất đai; ứng dụng khoa học công nghệ... Trước hết là giải pháp về đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ chuyên ngành phục vụ tốt nhất cho Đề án xây dựng vùng lúa chất lượng cao.
Ngay từ năm 2006, thị xã đã chủ động dùng ngân sách địa phương hợp đồng các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để tham gia vào công tác khuyến nông cơ sở.
Đến nay, 7/7 xã, phường của thị xã đã có cán bộ khuyến nông có trình độ, tâm huyết với công việc. Đội ngũ này thường xuyên đi sâu, đi sát tuyên truyền giám sát, chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trực tiếp vận động nhân dân thay đổi phương thức làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Do điều kiện đất đai nhỏ hẹp, thị xã Nghĩa Lộ đặt ra phương châm phát triển chú trọng về chất lượng và hiệu quả; tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế; làm tốt công tác quản lý, quy hoạch phát huy thế mạnh tiến tới tạo vùng sản xuất hàng hoá; mở mang ngành nghề truyền thống, khôi phục nét đẹp dân tộc, xây dựng thôn bản văn hoá gắn với nông nghiệp và du lịch truyền thống; kêu gọi đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp, tranh thủ sự ủng hộ của các chương trình bằng nhiều nguồn vốn nhằm đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và du lịch...
Từ những giải pháp cụ thể đó, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của thị xã. Chương trình thâm canh Mường Lò tạo vùng sản xuất lúa chất lượng cao hàng năm đã chú trọng đầu tư, đưa các giống lúa mới vào trồng khảo nghiệm và nhân ra diện rộng từng bước hình thành cánh đồng sản xuất lúa hàng hoá, cụ thể các giống lúa chất lượng cao như: HT1, DC1, Chiêm Hương, Nghi hương 2308... với diện tích hàng năm trên 60 ha. Thị xã còn phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh sản xuất thành công giống F1 tại xã Nghĩa An với diện tích gần 30 ha nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi ha canh tác. Bên cạnh đó, nhiều công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư như: xây sân phơi phục vụ chương trình sản xuất lúa lai F1, sửa chữa các công trình thuỷ lợi nhỏ, đập, mương máng phục vụ tưới tiêu nội đồng...; thực hiện dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá; hỗ trợ mua trâu đực giống cải tạo đàn trâu trên địa bàn...
Các chương trình, dự án phát triển kinh tế công nghiệp - TTCN đã tổ chức mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, sản xuất gạch tuynel cho 80 học viên... Chương trình phát triển du lịch miền Tây được xúc tiến tạo điểm nhấn giới thiệu với du khách về miền đất giàu văn hoá bản địa như tổ chức "Tuần văn hoá du lịch Mường Lò" và các hội chợ thương mại - du lịch; phát triển du lịch của địa phương gắn với Chương trình Du lịch về cội nguồn... Tuy nhiên, những kết quả đạt được sau ba năm triển khai Đề án chưa tương xứng với tiềm năng của thị xã và mục tiêu mà Đề án đề ra nhất là chương trình phát triển kinh tế công nghiệp - TTCN và chương trình phát triển du lịch miền Tây.
Đây cũng là hạn chế mà thị xã Nghĩa Lộ cần có những giải pháp mang tính chiến lược làm sao để quy mô hơn, hấp dẫn hơn, chú trọng phát huy văn hoá bản địa truyền thống và các sản vật của địa phương phục vụ du khách..., giúp cho thực sự phát huy hiệu quả làm nên diện mạo mới của thị xã miền Tây.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Nhằm từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi ha canh tác, năm 2006 huyện Văn Yên (Yên Bái) thực hiện Đề án thâm canh 1.000 ha ruộng nước đạt giá trị 45 triệu đồng/ha/năm.
YBĐT - Mấy năm qua, hoạt động du lịch ở Yên Bái đã có những chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn không ít vấn đề mà Yên Bái phải tiếp tục có biện pháp tích cực để giải quyết.
YBĐT - Năm 2007, Ngân hàng đầu tư và Phát triển (BIDV) Yên Bái đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các chỉ tiêu và là năm có kết quả kinh doanh, mức độ hoàn thành kế hoạch tốt nhất trong các năm gần đây.
YBĐT - Năm 2007, Trạm Khuyến nông Lục Yên (Yên Bái) mở được 450 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT sản xuất nông lâm nghiệp cho trên 15.700 lượt hộ nông dân tham gia.