Ngành xây dựng Yên Bái: 50 năm phát triển và trưởng thành
- Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong 50 năm qua, Sở Xây dựng Yên Bái đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều lần được Bộ Xây dựng, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc...
(Ảnh: Khánh Linh)
|
Cách đây 50 năm, ngày 29.4.1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Năm 1959, Ty Kiến trúc Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai được thành lập. Sau khi hợp nhất 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ, năm 1976 Ty Kiến trúc Hoàng Liên Sơn được thành lập. Tháng 11 năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Sở Xây dựng Yên Bái được tái lập và phát triển đến nay.
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của mình, ngành xây dựng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Xây dựng và sự giúp đỡ của các ngành, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã phát triển và trưởng thành nhanh chóng. Nhiều thế hệ cán bộ, công chức, đội ngũ công nhân đã đồng tâm hiệp lực vượt qua những khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhìn lại chặng đường dài nửa thế kỷ qua, ngành xây dựng Yên Bái đã có bước phát triển vững chắc, có đủ khả năng và trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng đất nước. Trước hết là lực lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân, từ chỗ chỉ có vài chục người, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và trung cấp chỉ chiếm 10%; đến năm 1975, toàn ngành đã có gần 2.300 cán bộ, công nhân viên. Đến nay, toàn tỉnh có 117 đơn vị và doanh nghiệp hoạt động với tổng số 4.500 người. Đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao đẳng, trung cấp và công nhân lành nghề chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Các đơn vị được trang bị các thiết bị thi công hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến, đủ sức đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng về quy hoạch, khảo sát thiết kế, thi công, trang trí nội thất... đối với tất cả các dự án và công trình có quy mô lớn.
Đối với ngành xây dựng, từ cơ sở sản xuất ban đầu chỉ có một vài công trường, một số xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, đến nay đã phát triển tới 10 doanh nghiệp và 1 trung tâm kiểm định xây dựng với 2.438 người, trong đó cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chiếm 28%, công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 45%. Với đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân lành nghề, ngành không chỉ bảo đảm đủ năng lực xây dựng trong tỉnh mà còn có đủ năng lực vươn ra các tỉnh; các đơn vị không chỉ đủ năng lực thi công các công trình lớn, nhà ở cao tầng mà còn thi công xây lắp những công trình đặc biệt như nhà thi đấu thể thao, nhà xưởng có khẩu độ lớn, đạt chất lượng cao.
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nước sạch và dịch vụ công ích đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu với giá trị sản lượng toàn ngành đạt trên 800 tỷ đồng/năm.
Trong quá trình đổi mới và phát triển, ngành đã có 8/10 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Đây là những công ty mạnh nhất đã gắn bó, giữ vai trò chủ đạo trong suốt quá trình phát triển của ngành và đến nay vẫn giữ vững, phát huy truyền thống đó.
Ngay từ những năm đầu mới thành lập, ngành xây dựng đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ. Trong những năm gần đây, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề và sản phẩm, tạo điều kiện để sản xuất ổn định, phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng. Tài sản cố định của các đơn vị hiện nay lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều năm qua, ngành xây dựng đã có tầm nhìn chiến lược, đón bắt được thời cơ và thách thức, tạo những bước tiến vượt bậc mang tính đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Từ 1 xưởng sản xuất gạch ở Hợp Minh, 1 cơ sở sản xuất vôi ở Văn Phú, đến nay trên địa bàn tỉnh sản lượng gạch nung đạt 140,3 triệu viên/năm, sản lượng xi măng đến cuối năm 2008 sẽ đạt 1,2 triệu tấn/năm. Nhiều sản phẩm khác như đá xây dựng, bột đá, cát, sỏi... đều tăng đáng kể. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007 lên tới 350 tỷ đồng, trong đó các công ty cổ phần chiếm tới 70%.
Sản xuất gạch tuy-nel ở Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái.
Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng, đơn vị sản xuất vật liệu đầu tiên của ngành đã đổi mới thiết bị công nghệ, sản xuất gạch tuy-nel từ rất sớm, đến nay sản xuất gạch nung với sản lượng 55 triệu viên/năm.
Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái nhanh chóng đổi mới thiết bị, chuyển từ sản xuất lò đứng công suất 120.000 tấn/năm sang công nghệ sản xuất xi măng lò quay công suất 350.000 tấn/năm, sản phẩm bột đá các-bon-nát can-xi các loại đạt 100.000 tấn/năm.
Công ty Cấp nước Yên Bái đến nay đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Yên Bái - Yên Bình sử dụng nguồn nước Hồ Thác Bà với công suất 11.500 m3/ngày, bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho thành phố Yên Bái, thị trấn Yên Bình, khu công nghiệp phía Nam.
Công tác tư vấn, thiết kế, quy hoạch đến nay đã có 20 đơn vị tư vấn mà Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc xây dựng Yên Bái vẫn là đơn vị có truyền thống, bề dày kinh nghiệm và giữ vai trò chủ lực.
Với chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh quản lý xây dựng cơ bản, thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Sở đã trình UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty Tư vấn giám sát và Trung tâm Kiểm định xây dựng nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để tăng cường trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, điều hành dự án và các đơn vị tư vấn, từng bước loại bỏ tình trạng khép kín trong xây dựng cơ bản; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư và xây dựng, đặc biệt đối với chất lượng công trình. Do đó trên địa bàn tỉnh không để xảy ra sự cố công trình, không có công trình kém chất lượng. Toàn ngành có 32 công trình và 3 sản phẩm đạt huy chương vàng, 10 công trình đạt bằng công trình chất lượng cao.
Công tác quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn đã có bước tiến vững chắc. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Hầu hết các xã, phường đều được quy hoạch, từng bước hình thành các trung tâm xã, cụm xã. Đặc biệt, thành phố Yên Bái đến nay đã trở thành thành phố loại III, là một trong những đô thị trẻ có tốc độ phát triển nhanh, nhất là 10 năm trở lại đây.
Trong quá trình CNH - HĐH, một số khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao trong tỉnh đã được quy hoạch và hình thành, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.
Trong 50 năm phát triển và trưởng thành, Sở Xây dựng Yên Bái đã nhiều lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, có 4 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều lần được Bộ Xây dựng, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể và cá nhân; trên 500 cán bộ, công nhân viên chức được Bộ Xây dựng tặng kỷ niệm chương.
Ôn lại truyền thống vẻ vang của 50 năm phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, công chức viên chức ngành xây dựng Yên Bái vô cùng tự hào về những đóng góp cho đất nước, quê hương và tin tưởng rằng, truyền thống ấy sẽ được phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp CNH - HĐH hiện nay, xây dựng Yên Bái trở thành một tỉnh giàu đẹp, có tốc độ phát triển nhanh cả về kinh tế và xã hội ở khu vực miền núi phía Bắc.
Kiến trúc sư: Nguyễn Tiến Thành -
Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái
Các tin khác
Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới. Hiện nay, giá gạo tại các địa phương trên thị trường cũng đang dần "giảm nhiệt".
YBĐT - Ngày 28/4, Công ty cổ phần Hapaco Yên Sơn (Yên Bái) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008.
YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) có địa hình khá phức tạp, đồi núi dốc và bị chia cắt mạnh xen kẽ với các thung lũng và đồng bằng. Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông..., mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa và tập quán canh tác riêng, song nói chung nguồn sống của người dân vẫn là sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy và khai thác các nguồn lợi lâm sản từ rừng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tốc độ hoang hóa đất đai tăng nhanh ở địa phương.
YBĐT - Làm nhiệm vụ sản xuất, ươm nuôi, lai tạo một số loại cá giống cổ truyền, các loại giống nhập nội khác như chim trắng, cá vược phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng của nhân dân khu vực hồ Thác Bà, Lục Yên, Tân Hương, Yên Bình, Cảm Nhân và các tỉnh lân cận khác như Lào Cai, Phú Thọ.