Bàn giao lưới điện nông thôn về ngành điện: Xu hướng tất yếu vì sự công bằng

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay trên địa bàn Yên Bái, điện lưới quốc gia đã phủ hết 9/9 huyện thị với 146/159 xã, đạt tỷ lệ 91,82% số xã trong tỉnh với tổng số 53 nghìn hộ nông dân sử dụng điện, sản lượng khoán 3,6 kWh mỗi tháng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Có thể nói, điện quốc gia đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, góp phần tích cực vào việc đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân cũng như từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng cao.

Tuy vậy, điện nông thôn do nhiều đơn vị quản lý kinh doanh, chất lượng điện thấp, giá bán lại cao vì vậy chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn về cho ngành điện quản lý, kinh doanh hay nói cách khác, ngành điện bán điện trực tiếp cho khách hàng nhằm nâng cao chất lượng điện năng, hạ giá tiền mà người dân phải trả cho mỗi KW điện sử dụng là một chủ trương đúng đắn, cần được các cấp, các ngành quan tâm và sớm triển khai. Đó là xu hướng tất yếu vì sự công bằng xã hội.

Theo báo cáo của ngành Công thương, mô hình quản lý bán điện trên địa bàn Yên Bái khá đa dạng: Điện lực Yên Bái bán trực tiếp tại 48 xã, hợp tác xã dịch vụ tổng hợp bán ở 34 xã, hợp tác xã điện năng bán cho 40 xã, doanh nghiệp tư nhân bán cho 1 xã và công ty TNHH bán điện cho 27 xã.

Do đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, mô hình quản lý, kinh doanh điện năng ở khu vực nông thôn đa dạng nên hệ thống lưới điện cũng được đầu tư bằng rất nhiều nguồn vốn khác nhau như: dân đóng góp, ngân sách Nhà nước đầu tư, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Theo ông Vũ Duy Khương - Trưởng phòng Kinh doanh điện năng (Điện lực Yên Bái) : Lưới điện do ngân sách Nhà nước và do vốn của các tổ chức quốc tế đầu tư xây dựng về cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và an toàn trong khai thác sử dụng; riêng lưới điện do nhân dân tự đóng góp xây dựng có chất lượng rất kém vì dây có tiết diện nhỏ, chắp vá, nhiều chủng loại, bán kính cấp điện dài; cột đỡ, công tơ cũng tạm bợ hoặc quá nhiều chủng loại khác nhau.

Lưới điện đã không bảo đảm, cán bộ vận hành cũng không được chính quy, bài bản do trình độ tay nghề và phương tiện làm việc rất hạn chế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng điện năng, giá điện sinh hoạt ở nông thôn nhiều nơi khác nhau. Nhiều vùng điện áp dưới 160 V, trong khi giá bán lại cao ngất ngưởng như ở bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, đồng bào nơi đây phải trả tới 1800 đồng/KWh.

Mua điện của Nhà nước rồi bán lại cho dân giá gấp 3, 4 lần, trả lương công nhân không cao, đầu tư ít trang thiết bị, tưởng như các đơn vị làm dịch vụ điện năng làm ăn phát đạt. Thế nhưng thực tế rất nhiều hợp tác xã điện số lãi chỉ đủ để trang trải trả lương cho công nhân, chỉ một số đơn vị kinh doanh ở những địa bàn mà đời sống nhân dân khá, đường dây tương đối tốt mới có ít thu nhập.

Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích là tỷ lệ tổn thất trên lưới điện hiện nay quá lớn, theo thống kê, dao động từ 20 đến 35%, cá biệt tỷ lệ tổn thất còn lên tới 50% như Trạm biến áp Khánh Hòa II, huyện Lục Yên.

Nhà nước thất thu, doanh nghiệp khó khăn, nông dân khốn khổ là thực trạng của điện nông thôn hiện nay và vấn đề bàn giao lưới điện nông thôn về cho ngành điện quản lý chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích hết sức cụ thể.

Đó là người dân được sử dụng điện an toàn, chất lượng và được trả mức giá 550 đồng/kwh cho 100 KWh đầu tiên; không phải trả tiền đóng góp xây dựng đường điện; tăng thu cho ngân sách Nhà nước mỗi tháng hàng chục triệu đồng và đặc biệt là tiết kiệm được lượng điện năng tổn thất mỗi tháng gần 500 nghìn KWh, góp phần tạo nên sự công bằng xã hội và xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn, miền núi với thành thị.

Vừa qua, Điện lực Yên Bái đã xây dựng Đề án tiếp nhận lưới điện 0,4 KV nông thôn trình UBND tỉnh.

Theo đó, từ nay đến tháng 6 năm 2010, toàn bộ lưới điện sẽ được tiếp nhận với nguyên tắc: đối với lưới điện nông thôn do nguồn vốn ngân sách đầu tư sẽ bàn giao trên nguyên tắc tăng giảm vốn của bên bàn giao và bên nhận; đối với lưới điện được đầu tư bằng nguồn vốn vay (Dự án Năng lượng nông thôn 2 REII) sẽ bàn giao toàn bộ tài sản sau đầu tư, ngành điện có trách nhiệm trả toàn bộ vốn của Dự án; đối với lưới điện do nhân dân đóng góp xây dựng sẽ bàn giao nguyên trạng tài sản, không hoàn trả vốn, khi ngành điện đầu tư, cải tạo sẽ trả lại toàn bộ vật tư và phụ kiện không sử dụng cho nhân dân.

Như vậy, kế hoạch và nguyên tắc bàn giao mà Đề án nêu ra là rất rõ, người dân khu vực nông thôn, nhất là chính quyền các xã cần hiểu đúng chủ trương của Nhà nước vì nó mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân mỗi người và đảm bảo công bằng xã hội. Những vướng mắc, nhất là về vốn, tài sản cũng cần được các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm để việc bàn giao lưới điện nông thôn sớm được thực hiện.

Lê Phiên

Các tin khác

Giá gas nhập khẩu trong tháng 10 giảm thêm 20 USD/tấn khiến các hãng kinh doanh gas tiếp tục hạ giá bán lẻ. Đây là đợt giảm giá gas lần thứ 4 trong vòng ba tháng qua.

Chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết, Thủ tướng đã đồng ý tăng giá điện từ năm 2009. Bộ Công thương đang trình phương án tăng bình quân 20%, chủ yếu nhắm vào điện phục vụ sinh hoạt.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ trưởng chủ động cung cấp thông tin, nhất là những thông tin nhạy cảm liên quan đến kinh tế vĩ mô, tăng cường công tác tuyên truyền chính xác. Đồng thời, yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) công khai nguồn ngoại hối dự trữ của Việt Nam gửi ở nước ngoài và khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước.

Kể từ 1/10, giá dầu hỏa giảm 1.000 đồng/lít so với hiện hành, xuống còn 17.000 đồng/lít. Ngày 30/9, Liên bộ Tài chính -Công thương đã chính thức chấp thuận mức giá mới này theo đề xuất của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục