Xoá đói giảm nghèo ở vùng cao cần những chính sách phù hợp
- Cập nhật: Thứ hai, 20/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 2 huyện nằm trong 61 huyện khó khăn nhất của cả nước. Những năm qua với nhiều chương trình như: 134, 135, cho vay hộ nghèo... đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện đời sống của người dân vùng cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2007 chỉ đạt gần 3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%; cơ sở hạ tầng gồm điện-đường-trường-trạm yếu kém; việc xoá nhà tạm dột nát chỉ mới bằng nhà tạm là chính, chưa kiên cố được.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như: khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, chia cắt mạnh diện tích đất sản xuất ít và khó canh tác... thì có nhiều nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) chưa hiệu quả, trong đó có nhiều chính sách XĐGN chưa phù hợp. Cụ thể như chính sách khoán bảo vệ rừng, với mức 28 nghìn đồng/ ha/năm như hiện nay không thể khuyến khích người dân bảo vệ tốt được, trong khi đặc thù của Trạm Tấu, Mù Cang Chải chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng sản xuất rất ít, người dân ở cạnh rừng nhưng lại không sống được từ rừng. Hay như chính sách khai hoang ruộng nước, làm thuỷ lợi, được đầu tư nhiều nhưng người hưởng lợi thì lại là những người có mức sống từ khá trở lên. Do tình trạng bao chiếm đất đai, khi được hỗ trợ khai hoang người nghèo lại không có đất để khai hoang.
Một trong những yếu tố làm nền móng để xoá đói giảm nghèo ở các huyện vùng cao là nguồn vốn vay hộ nghèo, nhưng thực tế nguồn vốn này đến được với hộ nghèo với tỷ lệ rất thấp. Theo một điều tra của Sở LĐ-TB & XH tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn ở một số xã vùng thấp của huyện Văn Chấn, Lục Yên chỉ đạt 17%. Tỷ lệ này ở vùng cao còn thấp hơn nhiều lần, đơn cử như một xã ở Trạm Tấu có 157 hộ nghèo thì chỉ có 5 hộ được vay vốn theo Nghị định 32 của Chính phủ. Một nguyên nhân khác là việc thực hiện các chính sách, các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Một điều rất dễ nhận thấy khi lên vùng cao là mù chữ, nghe nói tiếng Kinh của đồng bào còn hạn chế nhưng cán bộ lại không biết tiếng dân tộc nếu có thì rất ít. Từ đó, việc truyền đạt kiến thức, khoa học kỹ thuật cũng như sự tiếp cận với khoa học từ phía người dân rất chậm. Dân cư không tập trung dẫn đến việc đầu tư hạ tầng cơ sở không hiệu quả, lãng phí, kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Riêng huyện Trạm Tấu hộ nghèo phát sinh hàng năm tăng 6,6 %/ năm tương đương với 500 hộ.
Mỗi địa phương có điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán khác nhau, do đó các chính sách cũng phải thay đổi để phù hợp, như vậy mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. Cần có thêm các chính sách phù hợp với thực tế của từng địa phương, đó là ý kiến của nhiều địa phương xuất phát từ thực tế qua nhiều năm thực hiện các chính sách XĐGN. Chính sách khoán bảo vệ rừng cần thiết phải tăng mức khoán lên 300.000 đồng/ha để đảm bảo một phần thu nhập cho người dân sống cạnh rừng. Có chính sách sắp xếp lại khu dân cư, để tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng; việc hỗ trợ khai khoang ruộng nước cần đảm bảo người nghèo được hưởng lợi có đất sản xuất... Bên cạnh đó, mỗi cấp uỷ phải là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Trong 9 tháng đầu năm 2008, thu cân đối ngân sách trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đạt 9,8 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2007. Nhìn chung kết quả thu ngân sách của thị xã đạt mức thấp, chưa đạt kế hoạch nghị quyết HĐND thị xã đề ra là trong 9 tháng đầu năm thu ngân sách đạt từ 75% kế hoạch năm.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng tăng giá nước sạch sinh hoạt vì mức giá bình quân toàn quốc hiện nay ở mức 2.800 đồng/m3 lên 4.100 đồng/m3.
Báo cáo của thanh tra Bộ Y tế cho biết trong một tháng qua có khoảng 750 đoàn thanh tra tại 63 địa phương cả nước đối với các cơ sở sản xuất liên quan đến sữa. Kết quả thanh tra đang hoàn tất hồ sơ xử lý 189 trường hợp, đình chỉ sản xuất hai cơ sở, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an hai cơ sở, chuyển hồ sơ sang quản lý thị trường hai cơ sở.
Mặc dù trong sản xuất gặp không ít khó khăn song với sự chỉ đạo chặt chẽ về mùa vụ, cơ cấu giống, phòng trừ sâu bệnh cùng với mức đầu tư chăm sóc khá nên vụ lúa mùa 2008 vẫn giành thắng lợi. Năng suất đạt 45,63 tạ/ha, tổng sản lượng thóc đạt trên 149.222 tấn, góp phần quan trọng trong xoá đói, giảm nghèo và tạo đà cho sản xuất cây vụ đông xuân 2008-2009.