Có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống 6,7%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5-6,7% thay mức dự báo cũ 6,5-7%. Chính sách lãi suất vừa ban hành cũng căn cứ vào động thái mới này.

Một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố hạ lãi suất cho vay, có nơi xuống sát 15%. Tỷ giá ngoại tệ giao dịch tại các ngân hàng vẫn ổn định, song ngoài thị trường tự do lại tăng mạnh qua mốc 17.000 đồng. Chiều 4/11, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã trao đổi xung quanh những diễn biến mới này.

- Lý do nào để Ngân hàng Nhà nước liên tiếp cắt giảm lãi suất và hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong hai tuần qua, sau nhiều tháng thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát?

- Khủng hoảng tài chính tại Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn từ ngày 15/9 và lan rộng sang các nước phát triển khác. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm. Nếu 2007 kinh tế thế giới tăng 5% thì dự báo cuối năm nay còn 3,9% và năm sau chỉ vào khoảng 3%. Đứng trước nguy cơ suy thoái, nhiều quốc gia đã đưa ra các phương án chủ động phòng ngừa.

Với Việt Nam, những tháng đầu năm lạm phát cao, chúng ta đưa ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ tháng 6 tới nay, lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt tháng 9, CPI chỉ tăng 0,18% và đến tháng 10 giảm 0,19%. Trước tác động của tình hình thế giới và điều kiện trong nước, chúng tôi trình Chính phủ điều chỉnh một số chính sách. Hôm 20/10, lãi suất cơ bản đã được cắt giảm 1 điểm phần trăm.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 mới đây, Chính phủ đã bàn và dự kiến trình Quốc hội mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa suy giảm, duy trì đà tăng trưởng hợp lý, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Dự kiến Chính phủ sẽ trình mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% cho năm nay. Căn cứ vào thực tiễn mới này, tôi quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 1% nữa, áp dụng từ 5/11.

- Ngân hàng Nhà nước lường trước thị trường tiền tệ sẽ diễn biến theo hướng nào sau gói giải pháp mới?

- Sau khi công bố quyết định mới hôm qua, tôi nhận thấy phản ứng khá tích cực từ phía nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh đều đã cắt giảm lãi suất và cho vay chủ yếu ở mức 15-16%, dưới trần cho phép 2 điểm phần trăm. Tôi cũng rất trân trọng các ngân hàng cổ phần lên tiếng giảm lãi suất đầu tiên. Tôi cho những hưởng ứng ban đầu này rất tích cực và chắc chắn khó khăn của doanh nghiệp dần dần được tháo gỡ.

Khó khăn của doanh nghiệp phải nhìn tổng thể, từ chi phí đầu vào, cung cách quản lý chứ không chỉ vì lãi suất ngân hàng. Nhưng tôi tin hạ lãi suất cơ bản chắc chắn khiến ngân hàng mở rộng cho vay. Tất nhiên, mở rộng cho vay không đồng nghĩa với nới lỏng các nghiệp vụ tín dụng để phát sinh nợ xấu, không đáp ứng yêu cầu phát triển hợp lý và bền vững.

- Theo ông mặt bằng lãi suất cho vay nên ở mức bao nhiêu là hợp lý đối với ngân hàng và khả năng chấp nhận của doanh nghiệp?

- Với lần cắt giảm lãi suất cơ bản mới này, lãi suất đầu vào của các ngân hàng thương mại bình quân 15,6%. Nếu tính cả các khoản khác, chi phí đầu vào của ngân hàng lên tới 18,6%. Ngân hàng Nhà nước có tác động chính sách bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng cũng chỉ đỡ đần họ khoảng 0,3 điểm %. Họ phải cắt giảm chi phí tối đa để bù đắp thêm 0,3% nếu cho vay ở mức 18%.

- Có một nghịch lý là ngân hàng thừa vốn nhưng cho vay rất dè chừng, doanh nghiệp vẫn đói vốn. Theo ông, nên giải quyết mâu thuẫn này như thế nào để nền kinh tế phát triển một cách phù hợp?

- Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, các ngân hàng thường có xu hướng đảm bảo thanh khoản cao hơn để phòng tránh rủi ro. Các nước đã bơm tiền cho ngân hàng cũng vì mục đích tạo thanh khoản tốt hơn. Tất nhiên, ngân hàng huy động vốn để cho vay. Nhưng doanh nghiệp phải có dự án tốt, khả thi thì ngân hàng và doanh nghiệp mới gặp nhau.

Số liệu mà tôi nắm được cách đây 3 hôm của 30-40 tỉnh thành phố gửi về cho thấy 90% số hồ sơ gửi tới ngân hàng thương mại đã được chấp nhận cho vay. 10% còn lại bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu vì dự án không hiệu quả, không đảm bảo có lợi nhuận và khả năng trả nợ.

- Một số ngân hàng cổ phần cho biết bây giờ muốn đẩy vốn ra cũng rất khó khăn vì sau thời gian lãi suất dâng cao, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp bị gián đoạn hoặc phải điều chỉnh nhiều, doanh nghiệp không muốn vay vốn nữa. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Tôi xin chia sẻ thực tế đó. Chuyện đó tất yếu xảy ra, nhưng không phổ biến. Nền kinh tế của chúng ta vẫn có khả năng tăng trưởng 6,7% năm 2008. Cái đó nếu có chỉ là xác suất thôi. Với doanh nghiệp có vốn quy mô nhiều, bây giờ là cơ hội để họ phất lên. Nhưng những trường hợp quy mô vốn ít, đây là thời điểm khó khăn.

- Giả sử sau đây doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước có tính tới chuyện tiếp tục cắt giảm lãi suất?

- Lãi suất được điều chỉnh theo theo quan hệ cung cầu. Ngân hàng thương mại là tổ chức trung gian, họ đi vay để cho vay chứ không thể áp đặt chủ quan. Ngân hàng Trung ương chỉ tác động về chính sách để hướng các ngân hàng đi theo điều tiết của cung cầu. Và vừa qua chúng ta đã làm như thế.

- Trong bối cảnh các nước đều cắt giảm lãi suất để chống suy thoái từ cách đây vài tuần, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên công bố gói giải pháp mới sớm hơn?

- Tôi không nghĩ như thế. Chúng ta công bố CPI giảm cách đây vài ngày. Trong khi tôi mới điều chỉnh chính sách hôm 20/10. Các nước họ khác. Tăng trưởng của họ chậm lại, lạm phát không rõ. Chúng ta giảm đà tăng trưởng nhưng lạm phát rất rõ.

- Sáng 4/11, một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố gói giải pháp mới, tỷ giá đôla tại thị trường tự do lại vượt mốc 17.000 đồng, giống như những gì diễn ra cuối tháng 10. Theo ông, tại sao lại có chuyện như vậy?

- Đây là điểm yếu của quản lý nhà nước, cũng như điểm yếu của các cơ quan quản lý thị trường, dẫn tới sự thao túng chính sách.

(Theo VnExpress)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập).

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ bắt buộc pha 10% ethanol, chính thức chuyển sang sử dụng xăng E10. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

fb yt zl tw